1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ công chứng mua bán ô tô không có thật bị phát giác như thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Từ kiến nghị của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, Sở Tư pháp Hà Nội đã tiến hành thanh tra và phát giác việc "ký giả danh" và lập hợp đồng công chứng mua bán xe ô tô không có thật.

Liên quan đến việc Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Công an thành phố Hà Nội điều tra vụ việc "ký giả danh", công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô không có thật, theo tìm của PV Dân trí, nguồn gốc sự việc xuất phát từ kiến nghị của VKSND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra, truy tố vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra trên địa bàn, VKSND huyện Hiệp Hòa phát hiện Văn phòng Công chứng Hoàng Bích Diệp (Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm trong việc công chứng hợp đồng mua bán chiếc xe ô tô BKS: 29A-867.04 là tài sản chiếm đoạt của người bị hại, mang đi tiêu thụ.

Cụ thể, một đối tượng sau khi thuê ô tô BKS 29A-867.04, của ông Đỗ Quang Tựu (huyện Việt Yên, Bắc Giang) đã mang bán cho ông Cao Văn Hoàn (trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

Ông Hoàn đã làm hợp đồng mua bán, công chứng tại Văn phòng công chứng Hoàng Bích Diệp, sau đó làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu tại Công an tỉnh Bắc Ninh với BKS mới là 99A-409.87.

Quá trình ông Hoàn sử dụng xe ô tô thì ông Tựu đã phát hiện và làm đơn trình báo cơ quan công an để thu giữ.

Vụ công chứng mua bán ô tô không có thật bị phát giác như thế nào? - 1

Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Công an thành phố Hà Nội điều tra vụ việc "ký giả danh", công chứng hợp đồng mua bán ô tô không có thật (Ảnh minh họa).

Theo VKSND huyện Hiệp Hòa, chiếc xe ô tô này đăng ký chủ sở hữu ban đầu mang tên ông Bùi Hữu Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Năm 2018, ông Hiệp cùng vợ là bà Nguyễn Thị Kim Oanh đã làm hợp đồng công chứng bán chiếc xe.

Quá trình điều tra, ông Cao Văn Hoàn cung cấp bản hợp đồng công chứng mua bán xe ô tô tại Văn phòng Công chứng Hoàng Bích Diệp. Tuy nhiên, khi cơ quan công an làm việc với vợ chồng ông Hiệp, bà Oanh thì phát hiện không quen biết ông Hoàn, không làm hợp đồng công chứng nào tại Văn phòng Công chứng Hoàng Bích Diệp về việc bán chiếc xe ô tô trên.

Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: Chữ ký, chữ viết "Bùi Hữu Hiệp" và chữ viết "Nguyễn Thị Kim Oanh" trên hợp đồng mua bán xe ô tô (đã được Văn phòng công chứng Hoàng Bích Diệp công chứng) gửi giám định không phải là chữ ký, chữ viết của ông Hiệp và bà Oanh.

Vì thế, Viện KSND huyện Hiệp Hòa đã có văn bản kiến nghị Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của Văn phòng Công chứng Hoàng Bích Diệp theo quy định của pháp luật.

Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về công chứng đối với Văn phòng công chứng Hoàng Bích Diệp (nay là Văn phòng công chứng Nguyễn Thu) của Sở Tư pháp Hà Nội cũng khẳng định: Không có giao dịch mua bán xe ô tô giữa ông Bùi Hữu Hiệp, bà Nguyễn Thị Kim Oanh với ông Cao Văn Hoàn. Có người đã ký giả danh ông Hiệp, bà Kim Oanh tại hợp đồng mua bán xe ô tô nhằm hợp thức nguồn gốc xe ô tô do lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt của người khác.

Vụ công chứng mua bán ô tô không có thật bị phát giác như thế nào? - 2

Mua bán xe ô tô cũ (Ảnh minh họa).

Công chứng viên Hoàng Thị Bích Diệp đã cố ý làm trái trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguyên tắc hành nghề quy định tại Luật Công chứng.

Trưởng văn phòng công chứng phải chịu trách nhiệm trong việc đã cố ý làm trái thủ tục, trình tực, thẩm quyền, nguyên tắc hành nghề quy định tại Luật Công chứng. Việc đó dẫn đến việc công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô không có thật, giả tạo, không xác thực, vi phạm pháp luật.

Chính vì thế, ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đã đề nghị Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo điều tra, làm rõ dấu hiệu của tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên Hoàng Thị Bích Diệp, ông Trần Quang Oanh và Trưởng văn phòng công chứng này.