Vụ chùa Bồ Đề: “Nhà chùa không có chức năng chăm trẻ lâu dài”

(Dân trí) - “Ngoài chức năng về tôn giáo, nhà chùa không có chức năng từ thiện chăm trẻ lâu dài. Nhưng nhà chùa đã làm vì tấm lòng từ bi. Đúng ra, nhà chùa có thể tiếp nhận các cháu ban đầu và nên chuyển trẻ tới các cơ quan chức năng…”.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ quan điểm với PV Dân trí liên quan tới vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Bề (Gia Lâm, Hà Nội) vừa bị phanh phui.
 
Ông Nguyễn Hải Hữu

Ông Nguyễn Hải Hữu

 

Qua vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, với tư cách đại diện đơn vị có chức năng bảo vệ chăm sóc trẻ em, ông có ý kiến gì?

 

Trước hết, sau sự việc này chúng ta vẫn cần khuyến khích các tổ chức chăm sóc các đối tượng yếu thế như người già cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi với điều kiện đáp ứng được các yêu cầu pháp lý.

 

Cụ thể, tổ chức đó phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, đáp ứng tiêu chuẩn về yêu cầu người chăm sóc, dinh dưỡng và cơ sở vật chất…

 

Sau vụ việc tại chùa Bồ Đề, chúng ta cần đề nghị chính quyền địa phương rà soát lại xem các cơ sở chăm sóc trẻ em. Đơn vị nào không đáp ứng được tiêu chí được nêu trong 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội) thì kiên quyết yêu cầu dừng lại.

 

Tại sao việc chăm sóc trẻ em tại chùa Bồ Đề lại để tồn tại lâu như vậy? Sau sự việc này, những trẻ em đang được chăm sóc tại đây sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?

 

Cơ quan chức năng đã 2 lần gửi công văn nhắc nhở nhà chùa về việc chuyển các cháu về cơ sở bảo trợ xã hội, nhưng nhà chùa thực hiện chậm.

 

Trong năm 2013, nhà chùa mới chuyển 15 cháu, như vậy là quá chậm. Khi sự việc xảy ra, chùa Bồ Đề đang nuôi 106 cháu. Nếu nhà chùa chỉ nhận nuôi 5-7 cháu thì sẽ có điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc.

 

Sau sự việc này, những cháu nào có địa chỉ và quê quán, cơ quan chức năng sẽ đưa về địa phương tìm người chăm sóc thay thế. Những cháu không rõ quê quán và không có người chăm sóc thay thế sẽ được đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội.

 

Cá nhân nào có hành vi sai phạm, tùy tính chất mức độ, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
 

Thanh tra chùa Bồ Đề sau vụ mua bán trẻ sơ sinh.

Thanh tra chùa Bồ Đề sau vụ mua bán trẻ sơ sinh. (Ảnh: Tuấn Hợp) 

Không chỉ ở chùa Bồ Đề, câu chuyện nhà chùa nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi đã có từ lâu bởi quan điểm về sự từ bi nơi cửa Phật. Vậy sau sự việc tại chùa Bồ Đề, theo ông nên nhìn nhận vấn đề này ra sao?

 

Nếu nhà chùa có đủ điều kiện vật chất, cơ sở và tài chính để chăm sóc thì có thể nhận và chăm sóc. Nhưng nhà chùa phải báo cáo với cơ quan chức năng để có thêm sự hỗ trợ về tài chính và cơ sở vật chất.

 

Nếu không đủ điều kiện thì có thể chuyển trẻ tới các cơ sở chức năng, các cơ sở bảo trợ của đơn vị LĐ-TB&XH địa phương.

 

Không ai có quyền bắt nhà chùa phải nuôi các cháu. Tuy nhiên, quan niệm của nhiều người có thể nghĩ rằng nhà chùa là nơi từ tâm và nếu đưa trẻ được đưa tới đây sẽ nhận được nhiều sự quan tâm.

 

Vậy có thể đánh giá gì về thực trạng đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, dinh dưỡng cho trẻ em bị bỏ rơi ở những nhà chùa hiện đang nhận nuôi trẻ?

 

Chưa thể trả lời được đầy đủ câu hỏi này vì chúng tôi mới chỉ kiểm tra được một số ít, chưa kiểm tra tổng thể.

 

Nhưng với chùa Bồ đề, cơ quan chức năng đã khẳng định không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, người chăm sóc không có năng lực chuyên môn.

 

Thông qua sự việc trên, chúng tôi sẽ phải rà soát tổng thể để có đánh giá chính xác.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phan Minh (thực hiện)