Vụ cháy nhà cổ ở Hoà Bình: Gia hạn điều tra vì nghiêm trọng
Vụ cháy nhà Lang cổ cuối cùng của người Mường tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường sau hơn ba tháng điều tra, Công an TP Hòa Bình vẫn chưa đưa ra được kết luận về thủ phạm và khởi tố bị can, mặc dù bốn đối tượng liên quan chính đã được triệu tập ngay sau đó.
Như VietNamNet đã thông tin, ngôi nhà sàn cổ hơn 100 năm tuổi (nguyên là ngôi nhà quan Lang xứ Mường Bi – hiện vật quý giá gần như cuối cùng còn nguyên vẹn) được trưng bày tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đã bị lửa thiêu rụi vào đêm ngày 24/10/2013.
Thượng tá Phạm Văn Tiện đang cho phóng viên xem sơ đồ mô tả lại diễn biến vụ cháy
Sự việc nhanh chóng được nhân viên Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường báo lên các cơ quan chức năng của Hòa Bình. Công an TP Hòa Bình đã khởi tố vụ án; các đối tượng có liên quan đã được mời tới cơ quan điều tra để tìm nguyên nhân gây ra đám cháy đáng tiếc.
Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng điều tra, vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm của những cá nhân được cho rằng có liên quan trực tiếp đến sự việc.
Trao đổi với VietNamNet, Thượng tá Phạm Văn Tiện (Phó trưởng Công an TP Hòa Bình) cho biết: Đây là một vụ án phức tạp, được xếp vào loại vụ án nghiêm trọng nên mới có chuyện gia hạn điều tra. Thứ nhất là việc xác định giá trị ngôi nhà Lang cùng hơn 200 hiện vật bên trong đã bị cháy (giá trị vật thể và giá trị bảo tàng học). Thứ hai là việc xác định thủ phạm gây cháy.
Để xác định giá trị ngôi nhà Lang cùng các hiện vật, Công an Hòa Bình đã nhờ Viện Khoa học Nông nghiệp giám định 12 mẫu gỗ lấy từ ngôi nhà cháy với tổng kinh phí là 42,8 triệu đồng. Còn các hiện vật bên trong ngôi nhà thì còn chờ bên các ban ngành chuyên môn về văn hóa và bảo tàng thẩm định.
Bốn người khách có mặt lúc vụ cháy xảy ra được công an Hòa Bình cho biết là các ông Vũ Hồng Ký (SN 1958, trú tại khu 5, thị trấn Cao Phong); ông Trần Quang Hòa (SN 1972, trú xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình), là Phó giám đốc công ty Nông sản – Thực phẩm tỉnh Hòa Bình; bà Lê Thị Nhài (SN 1965, trú tại khu 2, thị trấn Kỳ Sơn), là cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Cao Phong và bà Phạm Thị Ngọc (SN 1980, trú phường Đồng Tiến, TP.Hoà Bình), kế toán của trường Ngô Quyền.
Thượng tá Tiện cho biết, vì chưa xác định được có phải bốn người khách đã nổi lửa rồi gây cháy nhà không (chính vì vậy nên cơ quan điều tra chưa ra được quyết định khởi tố bị can).
Sự việc các nhân viên của Bảo tàng khai báo với cơ quan điều tra: Sau khi hô hoán báo cháy, các vị khách này đã lấy xe bỏ chạy, Thượng tá Tiện khẳng định cải chính rằng trong điện thoại tạm giữ của bà Nhài có một số gọi 114, nhưng không có đầu mã tỉnh, nên không gọi được.
Theo ông Trần Duy Từ: “Cháy nhà mà không gọi 114, định lái xe đi 10km để gọi cứu hỏa, thì là chuyện rất vô lý”
Những gì còn lại sau đám cháy...
Do đó nên bà Nhài lái xe đi gọi 114, và đã bị cảnh sát 113 giữ lại tại chân dốc Cun, cách bảo tàng hơn 2km, theo điện báo yêu cầu của chị Đinh Thị Phú, nhân viên bảo tàng.
Ba người còn lại “đánh xe xuống bãi để xe xa đám cháy, rồi có quay lại để hỗ trợ cứu hỏa”… Sau đó công an thành phố đưa cả ba về trụ sở trong tối đó để lấy lời khai.
Ba nhân chứng quan trọng trong vụ hỏa hoạn là anh Bùi Văn Thọ, Bùi Văn Cường, những người dập lửa đầu tiên và chị Đinh Thị Phú, người đã chặn chiếc xe mang biển số 28A – 00023 không được, sau đó gọi điện báo cảnh sát 113 bắt giữ.
Ngoài ra, còn có một số người dân sống quanh bảo tàng lên tham gia cứu hỏa, trong đó có ông Trần Duy Từ, tổ trưởng tổ dân phố 12 phường Thái Bình, nơi Bảo tàng tọa lạc.
Tất cả những người này, cả nhân viên bảo tàng và người dân tham gia cứu hỏa đều khẳng định rằng đoàn khách sau khi xảy cháy đã bỏ chạy và không có một chiếc xe nào đỗ dưới bãi đỗ xe tối đó, cũng như không có người khách nào “quay lại cứu hỏa” gì cả. Cũng như không ai trong số họ có mặt tại buổi làm việc đêm 24/10 tại công an phường Thái Bình.
Hiện vật được trưng bày trong Nhà Lang
Ông Trần Duy Từ nói: "Với tư duy của một người bình thường, thì không ai cháy nhà, lại không tìm cách gọi điện báo cứu hỏa cho bằng được, chứ còn “không phải bỏ chạy mà lái xe đi gọi 114” trong khi Bảo tàng cách trụ sở PCCC tỉnh Hòa Bình khoảng 10km thì nghe rất vô lý. Vô lý như vậy mà công an cũng tin được thì chúng tôi thấy thật là tài…".
Cho đến giờ, thì chúng ta đành phải tin vào những lời khẳng định do phía công an TP Hòa Bình – đơn vị đầu tiên có trách nhiệm và thẩm quyền điều tra vụ việc. Nhưng việc chần chừ đưa ra quyết định khởi tố bị can, trong khi những thông tin về vụ án, nhân chứng, những người có liên quan đều “phơi” ra như vậy.
Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình nhận định: Mọi việc đang trong khuôn khổ điều tra, phụ thuộc vào quyết định của cơ quan điều tra.
Nhưng khi được hỏi về chiều hướng của vụ án, ông Lâm đưa ra quan điểm cá nhân: “Có vẻ như chúng ta chưa làm quyết liệt. Chứ thực sự làm quyết liệt hơn sẽ sớm có kết luận ngay thôi. Bởi có những vụ án khó hơn, ít chứng cứ hơn, điển hình như mấy vụ án mạng nghiêm trọng gần đây, công an Hòa Bình vẫn tìm ra trong một thời gian ngắn cơ mà…”.
Tỉnh Hòa Bình đang có phương án hỗ trợ thiệt hại cho Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Ông Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa thể trả lời được gì, bởi thẩm quyền vụ việc đang thuộc về phía cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có quyết định hỗ trợ thiệt hại cho Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Tuy là bảo tàng tư nhân, nhưng lâu nay hoạt động của nó có đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp văn hóa của tỉnh. Mức hỗ trợ thiệt hại sẽ dựa trên đề xuất của Sở VH-TT-DL Hòa Bình”. |
Theo Kiên Trung
VietNamnet