Vụ cháy hơn 32 ha rừng phòng hộ: Nghi án đốt rẫy gây cháy lan
(Dân trí) - Cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra để làm rõ vụ cháy rừng nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của phóng viên thì chủ rẫy thuê người dọn đốt thực bì gây ra vụ cháy ở khu rừng phòng hộ.
Đốt dọn thực bì gây cháy lan
Theo tìm hiểu của của phóng viên, nguyên nhân vụ cháy rừng tự nhiên nói trên liên quan đến ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang. Theo đó, sau khi khai thác keo, nhóm hộ dân trong đó có ông Thịnh đã thuê người đốt thực bì gây nên vụ cháy rừng trên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hồ Quang Minh – Phó Chủ tịch huyện Đông Giang cho biết, vụ cháy bắt đầu bùng phát từ ngày 5-7/5 nhưng trước đó ngày 1/5, chủ rẫy đã tiến hành cho đốt dọn thực bì sau khi thu hoạch keo. Sau khi đốt rẫy xong, lửa vẫn còn lại trong các gốc cây, đến ngày 5/5 gặp nắng nóng và gió lớn nên tàn lửa bay ra, bùng cháy, lan đến rừng phòng hộ.
Ông Hồ Quang Minh cũng cho biết, nghi vấn vụ cháy rừng phòng hộ do đốt rẫy mà ra đang được điều tra để xác định vì diện tích cháy lớn, lúc này chưa khẳng định chính xác. Huyện đang cho Công an phối hợp với kiểm lâm và Ban Quản lý rừng và ngành tài nguyên môi trường, nông nghiệp xác minh cụ thể. Khi có thông tin chính xác, huyện sẽ cung cấp.
Cũng về nghi vấn này, ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang cho biết, diện tích cháy nằm trong diện tích giao khoán.
Ông Thịnh thông tin, đây là diện tích đã được giao khoán đất trồng rừng cho nhóm hộ theo Nghị định 01 năm 1995 của Chính phủ về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước của nhóm hộ ông Phạm Ba do Công ty Nông lâm sản xuất khẩu Prao tại hợp đồng ngày 8/6/2001.
“Đây là diện tích quy hoạch rừng phòng hộ. Diện tích rẫy và diện tích cháy lan đều nằm trong 120,5ha đã được giao khoán cho cá nhân từ năm 2001 đến bây giờ nhưng chưa có quyết định thu hồi nên cá nhân họ vẫn canh tác”, ông Thịnh nói.
Liên quan đến vụ cháy rừng phòng hộ này, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra, xác định diện tích rừng bị thiệt hại, đồng thời khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để khởi tố vụ án.
Không thể cấm người dân đốt rẫy?
Trong ngày 14/5, theo quốc lộ 14G từ Đà Nẵng lên huyện Đông Giang (Quảng Nam), dọc 2 bên đường, có thể thấy ít nhất 2 đám đốt rẫy, lửa cháy đùng đùng, khói bốc cao cuồn cuộn. Đây là những đám rẫy keo của người dân sau khi thu hoạch được đốt để trồng lúa rẫy.
Anh ARất Đây có 30ha rừng keo ở xã Mà Cooih (gần khu vực rừng phòng hộ bị cháy) cho biết, cứ mỗi lần thu hoạch keo là người dân đốt rẫy. Mục đích của việc đốt rẫy là dọn cỏ, thực bì và lấy tro làm phân. Sau khi đốt rẫy, tận dụng tro, người dân trồng tỉa lúa rẫy (lúa 3 trăng) và trồng xen canh keo trong đó. Sau khi thu hoạch lúa thì để keo lên tự nhiên, 4-5 năm sau thu hoạch theo.
“Người dân ở đây từ xưa giờ ai thu hoạch keo xong cũng đốt rẫy hết. Trước khi đốt rẫy, họ có làm đường băng ngăn lửa cháy lan và báo cáo chính quyền địa phương. Đốt xong đợi mưa xuống thì tỉa lúa rẫy”, anh ARất Đây nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Blinh Trao – Phó Chủ tịch xã Tà Lu (huyện Đông Giang) cho biết, thói quen đốt nương rẫy sau khi thu hoạch keo của bà con diễn ra từ xưa đến nay. Nhưng mấy năm gần đây, bà con không đốt rừng tự nhiên để lấy đấy làm lúa nữa mà thu hoạch xong keo là đốt để dọn thực bì, lấy tro làm phân trồng lúa cho tốt.
“Rễ của cây keo mau mục, tạo thành phân bón cho lúa. Cứ đến chu kì thu hoạch keo xong là người dân đốt để trồng lúa. Không thể cấm tiệt người dân đốt rẫy được.”, ông Blinh Trao nói.
Ông Hồ Quang Minh – Phó Chủ tịch huyện Đông Giang cho biết, vùng núi của huyện người dân chuyên đốt rẫy để tỉa lúa 3 trăng. Việc đốt rẫy cũng gây ra một số vụ cháy rừng, cụ thể là vụ cháy tại tiểu khu 160 của xã Mà Cooih vừa qua gây cháy lan hơn 32 ha rừng phòng hộ.
Ông Minh cho hay, sau khi xảy ra vụ cháy, huyện họp với các ngành và địa phương ra văn bản đình tất cả các vụ đốt rẫy vì thời tiết quá cao, không thể giữ được trong phạm vi rẫy của dân nên dễ gây cháy lan.
Theo ông Minh, đồng bào Cơtu có tập tục sản xuất luân canh. Rẫy có nhiều cây dại mọc, họ đốt để có chất dinh dưỡng cho đất, sau đó mưa xuống là tỉa lúa. Việc cấm rất khó nhưng phải quản lý bằng cách khi họ đốt phải có đường ranh cho rõ ràng. Thứ 2 là báo cho địa phương và lực lượng quản lý rừng để theo dõi. Nếu có cháy lan thì phối hợp dập tắt.
Dù năng suất lúa rẫy rất thấp, chưa đến 20 tạ/ha nhưng đây là cuộc sống của đồng bào từ xưa đến nay. Phó Chủ tịch huyện Đông Giang cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 80% dân số có nương rẫy với diện tích khoảng 800ha. Nếu không cho làm (đốt rẫy) thì đồng bào lấy gì ăn.
“Lúa rẫy là đảm bảo lương thực tại chỗ, cây keo là của để dành; còn các loại cây khác như cây đót, ớt rừng, chè dây, nấm lim xanh… là để bà con cải thiện cuộc sống, nếu không đời sống của bà con sẽ rất khó khăn”, ông Hồ Quang Minh cho biết.
Công Bính