Thanh Hóa:
Vụ cá chết trên sông Âm: Các chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm đều vượt ngưỡng
(Dân trí) - Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, kết quả phân tích các mẫu nước lấy tại thời điểm cá chết trên sông Âm vào cuối tháng 2 vừa qua đều vượt ngưỡng cho phép về các chỉ số DO, COD, NH4+, NO3... trong nước sông.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả kiểm tra, làm rõ nguyên nhân cá chết trên sông Âm. Theo đó, ngay khi xảy ra sự việc cá chết bất thường trên sông Âm, đoạn qua xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã lấy 3 mẫu nước để phân tích.
Kết quả phân tích cho thấy chỉ số DO không đảm bảo quy chuẩn yêu cầu; Chỉ tiêu COD vượt Quy chuẩn Việt Nam 2,77 đến 9,45 lần; chỉ tiêu NH4+ vượt 1,86 đến 2,8 lần; Chỉ tiêu NO3 vượt 1,06 đến 1,75 lần; Chỉ tiêu Mn vượt 2,94 lần.
Theo báo cáo từ Phòng nuôi trồng thủy sản và Chi cục thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cá chết trên sông Âm, đoạn qua xã Gia An, huyện Lang Chánh và xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc trong ngày 22/2/2017 không phải là do bệnh dịch mà do ảnh hưởng của môi trường nước.
Ngành chức năng tuyến sông đoạn từ xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc đến xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh có chiều dài khoảng 15 km khẳng định dọc tuyến sông trên không có cơ sở sản xuất xả nguồn nước thải ra sông Âm, nhưng có 3 cơ sở sản xuất giấy vàng mã gồm: Công ty cổ phần Lâm sản Lang Chánh, Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh và Hợp tác xã chế biến lâm sản Lang Chánh đóng tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi, huyện Lang Chánh có nhiều dấu hiệu vi phạm.
Các cơ sở chế biến lâm sản trong cụm công nghiệp Bãi Bùi, huyện Lang Chánh trước đây cũng đã từng để xảy ra ô nhiễm môi trường trên sông Âm
Với Công ty cổ phần lâm sản Lang Chánh, co quan chức năng xác định, doanh nghiệp chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải nhưng đã đi vào hoạt động; đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất giấy vàng mã trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; chưa báo cáo đề nghị xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt.
Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh đã đầu tư thêm 2 dây chuyền xeo giấy nhưng chưa báo cáo với cơ quan có thẩm quyền; chưa lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, chưa bố trí kho lưu giữ chất thải nguy hại và chưa có báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo quy định.
Đối với Hợp tác xã chế biến lâm sản Lang Chánh, đơn gị này chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết khi cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất giấy vàng mã; chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ...
Qua kiểm tra thực tế hoạt động xả thải, thời điêm kiểm tra, cả 3 cơ sở không xả nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, mực nước tại các hồ chứa trong khuôn viên các đơn vị có dấu hiệu tiêu hao bất thường (có dấu hiệu vi phạm xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Âm). Đoàn kiểm tra phát hiện tại Hợp tác xã chế biến lâm sản Lang Chánh có 1 đường ống dẫn từ hệ thống xử lý nước thải ra sông Âm, đoàn đã yêu cầu Hợp tác xã phá dỡ toàn bộ đường ống trên ngay trong ngày 23/2.
Từ kết quả trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị, cụ thể: Hợp tác xã chế biến lâm sản Lang Chánh với hành vi không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định, cung cấp thông tin tài liệu không đầy đủ liên quan đến việc kiểm tra, thực hiện không đầy đủ về tần suất giám sát môi trường 2017.
Công ty cổ phần Lâm sản Lang Chánh không có văn bản báo cáo UBND tỉnh về tiến độ thực hiện Đề án bảo vệ môi trường, thực hiện không đúng một trong các nội dung trong Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt, cũng như thực hiện không đầy đủ về tần suất giám sát môi trường theo quy định.
Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định, không thu gom chất thải nguy hại theo quy định.
Để làm rõ hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Âm làm cho cá chết, Sở TN-MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao lực lượng Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ việc xả thải của 3 cơ sở trên.
Trước đó, ngày 27/7/2016, cũng trên sông Âm đoạn qua xã Giao An, huyện Lang Chánh đã xảy ra hiện tượng cá chết bất thường dọc bờ sông. Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận nguyên nhân cá tự nhiên chết bất thường trên sông Âm là do nước thải ô nhiễm từ Cụm công nghiệp Bãi Bùi, huyện Lang Chánh tràn ra môi trường.
Duy Tuyên