1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ bé trai tử vong do bị bạo hành: Cần tiêu chí khi tuyển giáo viên mầm non

Hải Nam

(Dân trí) - Theo tiến sĩ Đặng Văn Cường, công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là giáo viên cấp mầm non, tiểu học, phải được quan tâm, nâng cao.

Liên quan đến vụ bé trai 17 tháng tuổi (ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) bị 2 cô giáo bạo hành, tiến sĩ Đặng Văn Cường (Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em) đưa ra một số nhận định về nguyên nhân vụ việc.

Theo ông Cường, pháp luật Việt Nam có hình phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi bạo hành, đánh đập trẻ em, tuy nhiên, số lượng các vụ việc giáo viên mầm non, tiểu học bạo hành học sinh dẫn đến thương tích nghiêm trọng, vẫn xảy ra trong xã hội.

Giải thích về tình trạng này, ông Cường đưa ra một số quan điểm cho rằng nhiều giáo viên, đặc biệt là ở cấp mầm non, không có năng lực trình độ phù hợp, không có bằng cấp chứng chỉ. Từ đó, khi tham gia hoạt động giáo dục, việc thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức, sẽ dẫn đến không làm chủ được cảm xúc, hành vi và có xu hướng bạo lực.

Trong vụ việc của bé trai 17 tháng tuổi, ông Cường nhận định 2 cô giáo Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành có vấn đề về đạo đức, thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc. 

Vụ bé trai tử vong do bị bạo hành: Cần tiêu chí khi tuyển giáo viên mầm non - 1

Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Ảnh: Hải Nam).

Bên cạnh đó, vị tiến sĩ cũng cho rằng, để xảy ra những vụ việc trên có trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý giáo dục. 

"Đa số, những vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng. Các cơ sở giáo dục hoạt động chui sẽ kèm theo là việc tuyển dụng thiếu khắt khe, người được tuyển dụng không có trình độ chuyên môn phù hợp, không được đào tạo, bồi dưỡng, trau rồi chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp", ông Cường nói.

Về giải pháp, theo tiến sĩ Đặng Văn Cường, cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, tiểu học cần phải hoàn thiện nhằm tạo ra một môi trường trong sạch, lành mạnh, từ đó, giáo viên mới có điều kiện làm việc tốt nhất, có đầy đủ phẩm chất đạo đức và có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, luật trẻ em, luật hình sự... để các thầy cô giáo nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục.

Đặc biệt, ông Cường nhấn mạnh công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên phải được quan tâm, nâng cao.

"Cần phải có những tiêu chí để phân loại, đánh giá về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và các kỹ năng mềm của giáo viên để kịp thời phát hiện, loại bỏ những giáo viên không đủ năng lực phẩm chất ra khỏi bộ máy giáo dục", ông Cường nói.

Ngoài ra, tiến sĩ Cường cũng cho rằng, cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục cần được tăng cường. 

"Cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những hoạt động giáo dục chui, không đảm bảo điều kiện về vật chất kĩ thuật, về con người cho hoạt động giáo dục. Đồng thời, nên ứng dụng khoa học kĩ thuật vào công tác giáo dục, đặc biệt là với học sinh mầm non, tiểu học, như bắt buộc phải gắn camera giám sát...", ông Cường đưa ra quan điểm.