Vụ bắt cóc 2 trẻ mầm non: Sẽ đưa hung thủ đi giám định tâm thần
(Dân trí) - Công an quận Tân Bình (TPHCM) sẽ có kế hoạch đưa đối tượng Cao Quốc Huy (28 tuổi, ngụ phường 11, quận Tân Bình) - hung thủ vụ bắt cóc trẻ mầm non - đi giám định tâm thần, nhằm làm rõ vụ án.
Theo thông tin từ gia đình Huy, trước khi gây ra vụ tấn công cô giáo Trần Thị Kim Thủy - Hiệu trưởng trường Mầm Non 10A (phường 10, quận Tân Bình) - và bắt cóc hai học sinh đưa vào phòng, dùng dao uy hiếp, cố thủ bên trong vào sáng 11/10, Huy đã từng gây ra một phóng hỏa gây chết người khác. Khi cơ quan điều tra làm rõ vụ án thì thấy Huy có nhiều biểu hiện bất thường nên đã đưa đi giám định. Kết quả cho thấy Huy bị tâm thần.
Sau đó, Huy được đưa đến điều trị tại bệnh viện tâm thần ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). 5 năm sau, do bệnh tình thuyên giảm nên Huy được trả về sống cùng gia đình. Bà L. (mẹ của Huy) kể, hàng ngày, Huy thường đi lang thanh khắp xóm, thích đọc truyện tranh, chơi trò chơi trẻ con và xem phim. Khi biết tin con mình gây án, bà L. cho biết sẽ mang toàn bộ hồ sơ bệnh án tâm thần của Huy trình lên cơ quan điều tra nhằm làm rõ vụ án.
Theo Đại tá Lê Văn Thúc - Trưởng công an quận Tân Bình - để làm rõ hung thủ có bị tâm thần hay không, công an quận này sẽ có kế hoạch đưa đối tượng đi giám định tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.
Luật sư Nguyễn Văn Trường - Trưởng văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, đối với người nhà Cao Quốc Huy chỉ cần trình hồ sơ bệnh án. Tuy nhiên đối với cơ quan chức năng thì có thể yêu cầu giám định tâm thần lại tại thời điểm hiện tại để xác định sức khỏe tâm thần của Huy khi thực hiện hành vi phạm tội, làm cơ sở buộc người này chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Cũng theo luật sư Trường, pháp luật về hình sự quy định: Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà họ gây ra. Năng lực chịu trách nhiệm hình sự thể hiện ở hai yếu tố: Độ tuổi và sức khỏe tâm thần. Cụ thể tại điều 13 Bộ luật hình sự quy định: Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Luật còn quy định, những người này phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Qua nhiều lần tham gia bào chữa tại tòa từ các vụ án liên quan đến người tâm thần, luật sư Trường nhìn nhận, trên thực tế vì nhiều lý do mà những bệnh nhân tâm thần vẫn sống chung với những người khác trong gia đình. Điều này hết sức nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình và cho xã hội.
Cần phải tích cực đưa người bị tâm thần đi chữa trị, nếu thấy tình trạng bệnh nặng cần phải cho họ sống cách ly trong các trại, bệnh viện tâm thần. Trên thực tế, khó quy trách nhiệm cho gia đình trong trường hợp người thân bị bệnh tâm thần (mà người ấy đã trưởng thành về độ tuổi) gây ra thiệt hại về sức khỏe hay tính mạng cho người khác. Đây cũng là vấn đề mà cơ quan lập pháp cần quan tâm.
Luật sư Trường nhấn mạnh, cần quy định rõ trách nhiệm của gia đình và các cơ quan liên quan, trong đó phải tính đến nhiều yếu tố như vì thiếu hiểu biết hoặc vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn mà gia đình để cho người tâm thần nặng vẫn sống chung.
Trong sáng 12/10, tại trụ sở công an quận Tân Bình, Đại tá Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc CA TPHCM - đã trao thư khen và thưởng nóng 3 triệu đồng cho tập thể công an quận Tân Bình vì có thành tích giải cứu hiệu quả vụ khống chế con tin. Cũng tại buổi khen thưởng này, lãnh đạo công an thành phố đã chỉ đạo công an quận Tân Bình báo cáo thành tích của từng cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ để kịp thời khen thưởng, động viên tinh thần các chiến sĩ. |
Trung Kiên