1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Lắk:

Vụ 73 bộ hài cốt: “Không có liệt sĩ được mai táng ở khu vực quy tập”

(Dân trí) - Liên quan đến 73 bộ “hài cốt liệt sĩ” do “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy cùng Ngân hàng CSXH Việt Nam quy tập tại Đắk Lắk, Cục Chính trị - Quân đoàn 3 khẳng định: Không có liệt sĩ hi sinh được mai táng ở khu vực quy tập.

Cậu Thủy - mặc áo xám, cầm hương đang làm lễ áp vong nhập hồn
Cậu Thủy - mặc áo xám, cầm hương đang làm lễ áp vong nhập hồn.

Bỏ ngỏ câu trả lời

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trong quá trình quy tập 73 bộ hài cốt liệt sĩ tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, ngoài 2 “chủ công” tham gia quy tập là “cậu” Thủy và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), lực lượng quy tập còn đưa tới hiện trường 3 nhân chứng chiến trường từng tham gia chiến đấu ở khu vực Tây Nguyên. Đó là các ông Nguyễn Văn Toán - nguyên đơn vị Trung đoàn 9, Sư 320, Quân đoàn 3, hiện ở Đồng Nai; ông Mai Khắc Dư - nguyên đơn vị Tiểu đội 1, Trung đội 3, Đại đội 16, Sư 324, hiện ở Gia Lai và ông Trương Quốc Khởi - Đại tá, nguyên chính trị viên phó đơn vị C1, D101, E33 thuộc Mặt trận B3 Tây Nguyên, hiện nay ở tại Hà Tĩnh.

Sau khi 70 bộ hài cốt liệt sĩ (có 3 bộ được người thân nhận đưa về quê an táng) quy tập tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo được án táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan chức năng tỉnh này rốt ráo xin xác minh số hài cốt liệt sĩ này.

Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk đã có công văn xin ý kiến của Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH để lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN. Nhưng sau đó Cục Người có công đã có công văn trả lời trước mắt chưa lấy mẫu sinh phẩm hài cốt để giám định ADN vì toàn bộ hài cốt đã được an táng tại nghĩa trang.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, việc Sở này gửi công văn xin giám định ADN sau khi đã an táng hài cốt liệt sĩ là vì trước đó - trong quá trình quy tập, Sở này có kế hoạch phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN. Tuy nhiên, theo ý kiến của quần chúng nhân dân đề nghị không lấy mẫu sinh phẩm vì việc quy tập công khai. Cho nên kể từ đó đến nay, số hài cốt liệt sĩ được cất bốc tại tỉnh Đắk Lắk, trực tiếp có “bàn tay” của “cậu” Thủy, có đúng là hài cốt của liệt sĩ hay không vẫn là một câu hỏi đang bỏ ngỏ.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk phân trần: Theo quy định, Nhà nước không công nhận việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm, tâm linh. Nhưng do có Ngân hàng CSXH tham gia, lại có thêm 3 nhân chứng sống khẳng định từng có những trận đánh ở đây vào những năm 1968-1972 khiến nhiều bộ đội ta hi sinh nên mới đồng ý.

“Không có liệt sĩ hi sinh được an táng ở khu vực quy tập”

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 26/4/2013, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi Cục Chính trị - Quân đoàn 3 đề nghị cung cấp thông tin về các đơn vị làm nhiệm vụ tại khu vực cầu 110, thuộc quốc lộ 14, huyện Ea H’leo từ năm 1968 đến năm 1972. Bởi đây là khu vực mà “cậu” Thủy cùng với Ngân hàng CSXH tổ chức khai quật rầm rộ và quy tập được 73 bộ hài cốt liệt sĩ.

Điều đáng nói, qua nghiên cứu Lịch sử bộ đội chủ lực ở Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3, biên niên sự kiện 1964-2000 cùng với nhiều tài liệu khác có liên quan, Cục Chính trị - Quân đoàn 3, có văn bản gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk - khẳng định: “Không thấy nội dung ghi chép có đơn vị nào và trận đánh nào thuộc Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 ở khu vực cầu 110, huyện Ea H’leo”.

Ngoài ra, trong hồ sơ liệt sĩ của Mặt trận Tây Nguyên - Quân Đoàn 3 từ năm 1964 đến năm 1975 lưu trữ tại Ban Chính sách, Cục Chính trị cũng “không thấy có thông tin về liệt sĩ nào hi sinh được mai táng tại khu vực cầu 110” - nơi “cậu” Thủy cùng với Ngân hàng CSXH quy tập hài cốt liệt sĩ.

Như vậy, khẳng định này đã mâu thuẫn với những gì mà Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk đã xác minh với ông Trương Quốc Khởi - Đại tá, nguyên chính trị viên phó đơn vị C1, D101, E33 thuộc Mặt trận B3 Tây Nguyên. Theo đó, ông Khởi khẳng định: đơn vị C1, D101, E33 đã chiến đấu ở khu vực cầu 110, thuộc huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1967-1972. Bên cạnh đó, ông Khởi cũng khẳng định với ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk là việc bộ đội ta hi sinh trong chiến tranh ở khu vực này là có thật.

Điều đặc biệt, ông Khởi cho biết: đã từng chiến đấu cùng liệt sĩ Dương Văn Mừng (hi sinh năm 1968) là bố của ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam. Cho nên trước đó vào cuối năm 2011, ông Thắng đã tổ chức đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của bố ông là liệt sĩ Dương Văn Mừng. Kết quả, hài cốt liệt sĩ Dương Văn Mừng được tìm thấy tại thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) bằng phương pháp áp vong nhập hồn do “cậu” Thủy thực hiện.

Điều đáng nói là hài cốt liệt sĩ Mừng được tìm thấy với các thông tin, di vật… trùng khớp với thông tin mà gia đình liệt sĩ cung cấp. Sau khi việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Mừng kết thúc, “cậu” Thủy bảo rằng: tại khu vực cầu 110, huyện Ea H’leo còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Đây cũng là lý do mà sau đó Công đoàn Ngân hàng CSXH đã xây dựng một kế hoạch quy tập quy mô chưa từng có với 73 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy như đã nói ở trên.

Liên quan đến vụ việc này, hiện UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao các ngành chức năng khẩn trương làm rõ các dấu hiệu nghi vấn xung quanh 73 bộ hài cốt liệt sĩ do chính “cậu” Thủy làm tác giả, đồng thời sớm có văn bản gửi Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH cho tiến hành lấy mẫu giám định ADN.

Bà Mai Hoan Niê Kdăm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nếu số hài cốt đã an táng không phải là hài cốt liệt sĩ thì báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến đưa ra khỏi nghĩa trang chứ nhất quyết không để xương trâu, xương bò… nằm trong nghĩa trang, xúc phạm vong linh các anh hùng liệt sĩ.

Viết Hảo