“Vọng phu” trên đỉnh Trường Sơn

(Dân trí) - Đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn đi qua huyện A lưới, TT- Huế, cứ chiều chiều lại có đôi ba phụ nữ còn rất trẻ, thẫn thờ bồng con đứng ngóng. Họ là những sơn nữ, trót tin lời đường mật của các chàng trai miền xuôi mà phải sống cảnh có con không chồng…

Ngày ấy, họ là những cô sơn nữ 16-17 tuổi, đẹp mơn mởn như búp măng non trên núi, được bao chàng trai trong bản si mê, theo đuổi. Nhưng họ không màng mà ngây thơ tin vào “tình yêu đích thực” của những chàng “hoàng tử” bảnh bao miền xuôi, lên  phá đá, xây cầu. Cầu xây xong, các chàng “họ Sở” cũng đi, để lại cho các cô sơn nữ lời ru hời buồn vương trên núi thẳm. 

 

Căn nhà tạm bợ của hai mẹ con chị Hồ Thị Thân ở khu kinh tế mới thôn A So, xã Hương Lâm trông như bị bỏ hoang lâu ngày. Xung quanh nhà vắng tanh không người qua lại. Bảy năm về trước, chị Thân là người phụ nữ xinh xắn và có duyên nhất vùng nên được rất nhiều chàng trai trong bản theo đuổi, vậy mà chị chỉ tin và yêu chàng trai người Hà Nội tên Hà. Chị trao cho người yêu cái quý giá nhất của đời con gái và rất tin vào tương lai.

 

Khi Thân mang thai, Hà không vui mừng mà lại tỏ thái độ nghi ngờ, cho rằng đây không phải là giọt máu của mình. Buồn giận, chị muốn trút bỏ đứa con của mình nhưng cái thai đã quá to. Người đàn ông của đời chị bỏ đi không một lời nhắn nhủ. 

 

Đứa con được sinh ra, chị đặt tên cho con là Hồ Xuân Hapy. Có lần Hà vào thăm mẹ con chị. “Thằng Hapy thấy cha hắn như thấy con hổ trong rừng, hắn sinh ra chỉ có mẹ chứ không có cha”, chị kể. 

 

Nhiều lần, chị cùng con thẫn thờ trên đường chờ đợi “chồng”. Nhưng đáp lại chị chỉ có tiếng vọng của những gió ngàn và mây núi.

 

Giờ đây Hapy đã tròn 6 tuổi. Chị vừa mua áo quần, sách vở để chuẩn bị cho con đến trường. Một lần Hapy bất ngờ hỏi chị: “Ba của con tên là Hà, đang ở thủ đô Hà Nội phải không mẹ?”. Chị lặng người nói: “Cha con đã bị tai nạn giao thông chết rồi”, Hapy khóc ầm ĩ.

 

Cũng như chị Thân, Biện - một sơn nữ mới chớm tuổi đôi mươi, chỉ vì nghe những lời đường mật của một công nhân vùng xuôi lên làm đường - mà đánh mất đời con gái. Biết chị có thai, gã trai bỏ đi mất dạng, mặc mẹ con chị đi khắp nẻo tìm kiếm.

 

Hay như chị Hoàng Thị H, chồng bỗng nhiên bỏ đi biệt tích, báo hại bố chị phải vất vả đi xác nhận hộ khẩu người con rể để con gái tiện giải quyết việc ly hôn. Chị thì còn bận xuống thị trấn A Lưới bán cà phê kiếm tiền nuôi con nhỏ. Vợ chồng chị có giấy tờ hôn thú đàng hoàng. Đến khi con đường mòn hoàn thành, “chàng rể quý” xin phép vợ và gia đình về quê cắt hộ khẩu vào đây định cư, rồi đi mãi không quay trở lại.

 

Ông bố vợ tốt bụng vẫn chép miệng: “Chắc là nó đi lâu quá, hộ khẩu ở quê không còn nữa nên không cắt được”.

 

Nhà Rapat T.C ở thôn A Mên, xã A Roàng nằm cách đường Hồ Chí Minh hom 3km. Ngày nào cũng vậy, khi C đi làm rẫy về với đứa con gái gần 2 tuổi trên lưng thì mặt trời đã đứng bóng. Trông C gầy yếu, xanh xao, không giống cái tuổi đôi mươi của mình. Cũng như bao cô gái ngây thơ khác, tròn 20 tuổi, C đã phải lòng của một anh công nhân tên Việt quê Bắc Kạn, trọ ngay sát nhà.

 

Khi C mang thai, cô nói với Việt. Việt bảo: “Mình phải dựng nhà mới có con” và khuyên cô nên bỏ đứa bé. Nhưng cái thai đã lớn, ngày C sắp vượt cạn thì Việt bỏ đi không một lời từ biệt. C lặn lội đi tìm “chồng” nhưng chẳng có tăm hơi. Buồn lòng cô định nhảy sông tự vẫn nhưng nghĩ đến con lại thôi.

 

Đứa trẻ sinh ra chưa tròn một tuần tuổi thì mất. Dân làng bảo là vì C không biết nuôi con; có người lại nói vì C không muốn giữ nó lại. C chỉ buông lửng một câu: “Khi còn nằm trong bụng nó đã khổ lắm rồi”. 

 

Đứa con qua đời được mấy năm, C được một anh trong bản đeo đuổi và cưới làm vợ. Nhưng mối tình đầu của cô giống như vết thương không thể liền trong lòng.

 

Chị Hồ T.Ch ở thôn A Năm, xã Hồng Vân may mắn hơn. Một người đàn ông trong bản sẵn sàng bao bọc, che chở, yêu thương cả chị lẫn đứa con không cha, minh chứng tình yêu của chị với anh công nhân người Bắc đến làm cầu ALim bắc qua thôn.

 

Chị Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới, cho biết, huyện này có rất nhiều chị em mắc phải “lưới tình” của những anh chàng miền xuôi lên làm công nhân những năm trước. “Những người đàn ông đó chỉ muốn tìm vui trong chốc lát; trong khi các sơn nữ lại quá ngây thơ tin tưởng và lại không biết phương pháp tránh thai nên mới để lại hậu quả khôn lường”, chị Loan cho biết.

 

Cũng theo chị thì cả huyện có khoảng 20 - 30 đứa trẻ không cha, đa số chúng là “tình yêu” mà những chàng công nhân miền xuôi ham vui gửi lại miền sơn cước. Những đứa trẻ sinh ra không có hơi ấm người cha, suốt tuổi thơ sống trong sự chờ đợi vô vọng của mẹ, nhưng chúng vẫn lớn khôn, được yêu thương, được tới trường…

 

Minh San