1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vỡ ống nước sông Đà có phải do nền đất của Đại lộ Thăng Long yếu?

(Dân trí) - “Nguyên nhân sâu xa là do người thiết kế và nhà thầu thi công chưa xử lý móng của tuyến ống, để nó chạy trên nền đất yếu, dẫn đến sự cố vỡ ống”, ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án Mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc nhận định.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội đã 3 lần bị vỡ, gây nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân thủ đô. Có thông tin cho rằng, đường ống nước sạch sông Đà hay vỡ là do nề đất của Đại lộ Thăng Long yếu. PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án Mở rộng và hoàn thiện Đường Láng - Hòa Lạc, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, về vấn đề này.
 
Điểm vỡ đường ống nước xảy ra vào ngày 21/11/2013

Điểm vỡ đường ống nước xảy ra vào ngày 21/11/2013
 

Ông có thể cho biết sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà vừa qua có ảnh hưởng tới chất lượng của Đại lộ Thăng Long?

 

Sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà cũng ảnh hưởng tới đường cao tốc Đại lộ Thăng Long nhưng không nhiều. Vì vị trí xảy ra sự cố chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến mái taluy, nền đường, phần phía ngoài taluy cũng như các công trình phục vụ: lan can, cây xanh, hệ thống thoát nước dọc. Trong thời gian ngắn có thể sửa chữa được vì nó không phải phần cốt lõi chất lượng của đường.

 

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên tuyến đường ống nước sạch Sông Đà này bị vỡ. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được xác định là do nền đất của Đại lộ Thăng Long bị lún sụt, đã tác động vào đường ống dẫn nước, dẫn đến đường ống bị vỡ?

 

Theo báo chí đăng lại lời phát biểu của Giám đốc Công ty Viwaco cho rằng nguyên nhân ban đầu của sự cố được xác định là do nền đất của Đại lộ Thăng Long bị lún sụt, đã tác động vào đường ống dẫn nước, dẫn đến đường ống bị vỡ. Tôi khẳng định điều đó là không đúng.

 

Tuyến đường của chúng tôi đi qua rất nhiều vùng với địa chất khác nhau. Chúng tôi có 5,4km qua vùng đất yếu, tầng đất yếu dao động từ 5 - 20m. Nền móng đường chúng tôi phải xử lý đặc biệt bằng các công nghệ đòi hỏi về kinh phí và thời gian, như giếng cát, cọc cát, bức thấm, thay đất, rải vật liệu kỹ thuật... Bằng các qui trình thi công nghiêm ngặt, sau khi đảm bảo về tiêu chuẩn xử lý đất yếu, chúng tôi mới bắt đầu thi công các tầng lớp công trình. Công trình cho đến giờ là bảo đảm về chất lượng.

 

Hơn nữa đường ống chạy cách nền đường, vai đường khoảng 12,5m, không nằm trong phạm vi xử lý nền đường. Do đó không thể nói rằng do nền đường cao tốc Đại lộ Thăng Long sụt lún mà ảnh hưởng tới đường ống.
 
Điểm vỡ đường ống nước xảy ra vào ngày 21/11/2013
Ông Nguyễn Sỹ Trung chỉ vị trí những lần vỡ đường ống nước sạch Sông Đà trên bản đồ và cho rằng đều ở khu vực nền đất yếu chưa được xử lý.

 

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà?

 

Theo tôi nguyên nhân sâu xa là do người thiết kế và nhà thầu thi công chưa xử lý móng của tuyến ống, để nó chạy trên nền đất yếu. Vật liệu của ống lại là composite, là vật liệu mới được áp dụng gần như đầu tiên ở Việt Nam, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi móng của đường ống không đều, tuyến ống sẽ vỡ.

 

Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Nguyễn Dương (thực hiện)