1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Gia Lai:

Vợ giám đốc lâm nghiệp lấn chiếm đất rừng do... chồng quản lý

(Dân trí) - Nhiều năm nay, bà Lê Thị Thủy (vợ Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ka Nak) đã tự ý lấn chiếm hơn 1ha đất rừng để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Đặc biệt, khoảng đất rừng này là do... chồng bà Thủy quản lý.

Tự ý đưa đất rừng ra ngoài lâm phần quản lý

Một người dân tên N.V.M (thị trấn Kbang, Gia Lai) đã gửi đơn tố cáo lên UBKT Huyện uỷ Kbang (tỉnh Gia Lai) về việc ông Dương Thanh Bình (Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ka Nak) tự ý lấn chiếm đất rừng để mở trang trại trên lâm phần do chính ông Bình quản lý.

Vợ giám đốc lâm nghiệp lấn chiếm đất rừng do... chồng quản lý - 1
Vợ giám đốc công ty lâm nghiệp đi lấn chiếm đất rừng để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả

Ngay khi nhận được đơn thư, cuối năm 2018, UBKT Huyện ủy Kbang đã vào cuộc đi thực tế để kiểm tra, nắm tình hình. Theo Kết luận số 1058 của UBKT Huyện uỷ Kbang, trong lâm phần do ông Bình quản lý đang có thực trạng ngang nhiên chặt cây rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích khoảng 3,2 ha để trồng cây ăn trái và các cây khác (tại Khoảnh 7, Tiểu khu 124, thuộc Lâm phần của Công ty Ka Nak quản lý, bảo vệ).

Điều đặc biệt, người đi lấn chiếm đất rừng lại bà Lê Thị Thủy (vợ Giám đốc công ty Ka Nak). Cụ thể, từ cuối năm 2017, bà Thủy đã tiến hành lấn chiếm 1,26 ha đất (0,5 đất rừng tự nhiên, 0,5 ha đất rừng; 0,26 ha đất nông nghiệp thuộc quản lý của thuộc lâm phần Công ty Ka Nak quản lý). Ngoài ra, ông Bình còn tự ý cho Đội bảo vệ công ty trồng keo trên đất rừng với diện tích 1,256 ha.

Vợ giám đốc lâm nghiệp lấn chiếm đất rừng do... chồng quản lý - 2
Cận cảnh vườn cây do vợ ông Thủy trồng trong đất rừng của chồng quản lý, bảo vệ

Theo kiểm tra của UBKT Huyện ủy Kbang, năm 2014 khi đo đạc, rà soát và lập bản đồ kiểm kê diện tích rừng thì ông Bình đã tự ý đưa số diện tích bị lấn chiếm trên ra ngoài lâm phần quản lý. Khi số diện tích đó đã được ông Bình đã tự ý để cho gia đình và đội bảo vệ của công ty lấn chiếm đất rừng để trồng các cây ăn quả, keo, hồ tiêu, cà phê…

Vợ làm trang trại, chồng... không biết?

Trao đổi với chúng tôi về những sai phạm về việc quản lý, bảo vệ rừng của công ty, ông Dương Thanh Bình (Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ka Nak) cho biết: “Cái sai phạm lớn nhất là bà xã (bà Thủy) lấn chiếm đất lâm nghiệp nhằm mục đích canh tác trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả. Lúc vợ trồng cây, tôi cũng không biết, đến gần đây tôi mới biết. Ngoài ra, Đội bảo vệ công ty trồng keo là do tôi tạo điều kiện trên khoảng đất trống để anh em trồng tăng thêm thu nhập…”.

Vợ giám đốc lâm nghiệp lấn chiếm đất rừng do... chồng quản lý - 3
Trụ sở Công ty TNH MTV Lâm Nghiệp Ka Nak, nơi xảy ra sự việc

“Còn việc để ngoài lâm phần quản lý số diện tích trên thì rừng không có cây mà là bờ ranh nên tôi đã trừ ra". Trên cương vị là người đứng đầu cơ quan ông Bình đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Sau khi sự việc xảy ra, UBKT Huyện ủy Kbang cũng đã có Quyết định thu hồi số diện tích bị lấn chiếm trên để tiến hành trồng rừng.

Chứng kiến tận mắt, nằm khuất sau những đám rừng xanh tốt là vườn cây ăn quả, cây công nghiệp của bà Thủy. Theo đó, hơn 1 năm nay, bà Thủy đã vào trồng các loại cây công nghiệp cà phê, tiêu và cây ăn quả xoài, mít… đã lớn gần đến đầu người. Bao quanh là những cây rừng lớn, nếu đi ngoài đường rất khó phát hiện.

Tuy bà Thủy đã có hành vi lấn chiếm đất rừng nhưng khi bị phát hiện thì chính quyền địa phương, công ty không tiến hành lập biên bản xử lý người vi phạm và chỉ có Quyết định thu hồi số diện tích trên để tiến hành phục hồi lại cây rừng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Nghen (Chủ nhiệm UBKT Huyện uỷ Kbang cho biết: “Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, ủy ban kiểm tra Huyện uỷ tiến hành xác minh. Theo kết quả xác minh có sự việc ông Bình sai phạm như nội dung người dân tố cáo. Ngay sau đó, cơ quan đã họp và quyết định kỷ luật khiển trách về mặt Đảng với cá nhân ông Bình. Bên cạnh đó, Huyện ủy yêu cầu công ty phải thu hồi diện tích bị lấn chiếm trái phép, trồng tái tạo lại rừng”.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm