1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bình Định:

Vỡ đập trữ nước, hàng chục ha lúa bị bồi lấp

(Dân trí) - (Dân trí) – Hàng chục ha lúa bị bùn cát vùi, đầm phá nuôi thủy sản không thể sản xuất, nhiều diện tích lúa ngập trong biển nước do đập dâng đê Bộ Tồn (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) bị vỡ.

Vỡ đập trữ nước, hàng chục ha lúa bị bồi lấp
Đoạn đê Bờ Tồn đoạn chảy qua thôn Thắng Kiên bị vỡ khiến nhiều ha lúa bà con bị sa bồi không thể sản xuất.

UBND xã Cát Khánh cho biết, hệ thống đê Bộ Tồn (thuộc xã Cát Khánh) đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ, dẫn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ tài sản cho hàng trăm hộ dân tại 2 thôn Thắng Kiên và Chánh Lợi, sinh sống dọc tuyến đê. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 4, số 5 trong tháng 12/2014, gây mưa nhiều, mưa to nước trên thượng nguồn đổ về lớn, dòng chảy mạnh đã làm vỡ gần 70m đoạn đê nằm ở hạ lưu đập dâng Bộ Tồn gây hiện tượng sa bồi, thủy phá cho 23 ha đất sản xuất. Trong đó, có hơn 10 ha diện tích lúa vụ Đông Xuân 2014 - 2015 mới gieo sạ tại 2 cánh đồng có tục danh Đồng Gừng (thôn Thắng Kiên) và Cây Bàn (thôn Chánh Lợi) bị ngập nước, đất cát bồi lấp.

Bà Huỳnh Thị Hoa (68 tuổi, người dân sống ở khu vực đê Bờ Tồn), cho biết: “Đợt mưa lũ giữa tháng 12/2014, do nước lớn đổ về mạnh đã làm đoạn bờ đê dài gần 70m sau lưng nhà tôi bị vỡ toác làm cả thôn bị nước lũ vây quanh, cô lập. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng di tản người già và trẻ em lên khu vực cao. Nhiều diện tích lúa mới gieo xạ ngập trong biển nước. Riêng 5 sao ruộng của gia đình tôi mới gieo xạ bị mất trắng, ruộng bị bồi lấp nặng, đến nay vẫn chưa khắc phục sản xuất. Nếu không khắc phục kịp thời thì không chỉ riêng gia đình tôi mà hàng trăm hộ dân ở đây sẽ đối diện với những hiểm nguy khi có mưa lớn kéo dài”.

Theo người dân, nước lũ không chỉ gây hiện tượng sa bồi, thủy phá đất sản xuất mà ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, điều người dân lo lắng bởi nếu không khắc phục kịp thời khi mưa lớn kéo dài người dân tiếp tục bị cô lập, hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng chục ha diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con nhân dân bị đe dọa.

Vỡ đập trữ nước, hàng chục ha lúa bị bồi lấp
300 bờ đê nằm phía Nam đập dâng Bờ Tồn bị sạt lở, địa phương khắc phục tạm bằng biện pháp đắp đất, kết hợp đóng cọc gia cố

Ông Đinh Thành Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: “Mỗi năm, địa phương trích từ 500-700 triệu đồng để gia cố các đoạn đê xung yếu để hạn chế sạt lở, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng người dân sinh sống trong vùng. Năm 2014, xã cũng đầu tư 500 triệu đồng để gia cố 300m đê sông theo hình thức đổ đất, kết hợp gia cố bằng rọ đá, cọc tre tại thôn Chánh Lợi nhưng chỉ là giải pháp tạm thời”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho rằng: Đoạn đê bị vỡ là công trình thuộc diện cần phải xây dựng, nâng cấp, nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc sống dân sinh bà con sống quanh khu vực. Tuy nhiên, nguồn kinh phí lớn vượt ngoài khả năng của huyện. Để an toàn cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân là trên hết, địa phương đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng để thi công đoạn đê bị vỡ, sạt lở nằm ở hạ lưu đập dâng Bờ Tồn, với tổng chiều dài 700m. Đây là vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra hiện tượng vỡ đê nếu nước từ thượng nguồn đổ về với cường độ mạnh”.

Hà Thanh - Doãn Công