1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vợ chồng sinh 2 con một bề chưa được khen thưởng, động viên kịp thời

Thế Kha

(Dân trí) - Những cặp vợ chồng thực hiện tốt chính sách dân số (sinh đủ 2 con, sinh con một bề nhưng vẫn dừng lại ở 2 con) chưa được khen thưởng, động viên kịp thời.

Theo báo cáo tổng kết 18 năm thi hành Pháp lệnh Dân số của Bộ Y tế gửi tới Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định dự án Luật Dân số, một bộ phận người dân còn hiểu và nhận thức chưa đúng về quyền và nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số, mới quan tâm tới quyền mà không gắn với nghĩa vụ. Quan niệm phải có con trai vẫn còn trong suy nghĩ của một số gia đình, cá nhân; cho rằng có thể sinh nhiều con nếu đảm bảo được kinh tế, sức khỏe...

Vợ chồng sinh 2 con một bề chưa được khen thưởng, động viên kịp thời - 1

(Ảnh minh họa).

"Hiểu lầm" việc sinh con thứ 3 trở lên là không vi phạm

Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng. Tuy nhiên, nhiều người đã hiểu theo nghĩa là nhà nước không hạn chế sinh đẻ, mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, vì vậy việc sinh con thứ 3 trở lên là không vi phạm chính sách dân số.

"Do vậy, các gia đình có con một bề, các gia đình có điều kiện kinh tế khá, hoặc chỉ vì tâm lý mà nhiều gia đình muốn sinh thêm con. Việc thực hiện các biện pháp tránh thai không phải là nghĩa vụ chính của mỗi cá nhân, cặp vợ chồng mà để thực hiện quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững, nâng cao đời sống, sức khỏe của cá nhân và góp phần vào nâng cao đời sống của toàn xã hội mới là nghĩa vụ chính"- báo cáo cho hay.

Hơn nữa, trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về công tác dân số, những cặp vợ chồng, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số (sinh đủ hai con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh 5 năm và một số gia đình sinh con một bề nhưng họ vẫn dừng lại ở 2 con) vẫn chưa có chính sách đồng bộ để khen thưởng, động viên kịp thời.

"Điều này dẫn đến suy nghĩ giữa người thực hiện tốt và người chưa thực hiện đều được đối xử như nhau, mang tính cào bằng, do đó chưa khích lệ được phong trào"- báo cáo cho hay.

Vì vậy, Bộ Y tế khẳng định cần nghiên cứu bổ sung quy định giao việc hướng dẫn về trình tự, thủ tục khi bổ sung, sửa đổi pháp luật dân số hoặc các văn bản quy định chi tiết để công dân thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật; gắn kết chặt chẽ quyền nghĩa vụ của công dân trong công tác dân số.

Vợ chồng sinh 2 con một bề chưa được khen thưởng, động viên kịp thời - 2

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm nhanh từ 20,8% (năm 2005) xuống còn 14,3% (năm 2013), đến năm 2019 tăng lên 19,3% (tổng điều tra 2019).

Chính sách dân số cần linh hoạt, phù hợp thực tế địa phương

Theo kết quả điều tra, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm tháng 4/2019 là trên 96,2 triệu người. Trong đó, dân số nam là gần 47,9 triệu người (chiếm 49,8%), dân số nữ trên 48,3 triệu người (chiếm 50,2%). Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippine) và thứ 15 trên thế giới.

Đến năm 2021 dân số Việt Nam khoảng 98,51 triệu người, tăng 0,95% so với năm 2020. Trong tổng dân số, dân số thành thị là 36,57 triệu người (chiếm 37,1%), dân số nông thôn 61,94 triệu người (chiếm 62,9%).

"Từ những kết quả đã đạt được về quy mô dân số trong thời gian qua có thể thấy rằng mức sinh đã đạt mức sinh thay thế, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ tăng trở lại, do phong tục tập quán, tư tưởng nho giáo muốn có đông con, phải có con trai còn rất nặng nề của người dân trong xã hội nông nghiệp"- báo cáo của Bộ Y tế nhận định.

Hiện tại, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Khu vực kinh tế xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế.

Do đó, chính sách dân số cần phải linh hoạt để phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quốc gia và được quy định cụ thể trong văn bản pháp quy; đồng thời tổ chức bộ máy phải ổn định để kịp thời thực hiện các vấn đề dân số mới phát sinh

Giải pháp hoàn thiện pháp luật dân số là duy trì mức sinh thấp hợp lý quy định các biện pháp, chính sách phù hợp với thực tế của mỗi địa phương. Việc khuyến khích hoặc vận động giảm mức sinh tùy theo vùng mà không áp dụng chung một quy định trên cả nước là rất cần thiết.

Hiện nay Quyết định 588/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 01/2021 của Bộ Y tế đã quy định cụ thể các nội dung này. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cho rằng cần cân nhắc không nên quy định số con với mỗi cặp vợ chồng và khoảng cách giữa các lần sinh để phù hợp hơn với Hiến pháp 2013 và với thực tiễn quốc tế. Nên quy định tạo sự chủ động cho các địa phương để xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp, chính sách thích hợp (giảm sinh, duy trì mức sinh thay thế hoặc khuyến sinh hợp lý).

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm nhanh từ 20,8% (năm 2005) xuống còn 14,3% (năm 2013), đến năm 2019 tăng lên 19,3% (tổng điều tra 2019). Việc xử lý người vi phạm chính sách dân số chưa nghiêm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ và biện pháp chế tài, mức độ xử lý chưa đủ mạnh. Do vậy, khi bổ sung, sửa đổi quy định cần quy định trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện công tác dân số phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản pháp luật có liên quan.