1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Việt Nam sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao trong 2 năm tới?

(Dân trí) - Theo định hướng nghiên cứu hoàn thiện tiền khả thi Dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đến năm 2020 nghiên cứu phương án xây dựng mới, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ưu tiên đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang. Giai đoạn 2020 -2030, triển khai xây dựng thực tế đường sắt tốc độ 350km/h.

Ban Quản lý dự án Đường sắt (QLDA) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cho biết: Trong giai đoạn năm 2005-2010 có nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài nghiên cứu lập Dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao. Dự án được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5/2010.

Tuy nhiên, thời điểm đó Quốc hội yêu cầu cần nghiên cứu kỹ hơn để làm rõ tính hiệu quả, khả thi của dự án. Năm 2016, Bộ GTVT được Chính phủ giao hoàn thiện nghiên cứu dự án để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua.

Đường sắt tốc độ cao
Đường sắt tốc độ cao

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, định hướng nghiên cứu hoàn thiện tiền khả thi dự án là đến năm 2020 nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ưu tiên đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.

Giai đoạn 2020 -2030, triển khai xây dựng thực tế đường sắt tốc độ cao, với hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ 350km/h, nhưng giai đoạn I khai thác tốc độ chạy tàu 160km/h đến dưới 200km/h, giai đoạn 2 đạt 350km/h.

Đến giai đoạn 2050 phấn đấu hoàn thành toàn bộ trục đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Cùng đó, báo cáo nêu một số kịch bản về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính; các đề xuất liên quan định hướng nghiên cứu về phát triển công nghiệp đường sắt, phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư...

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, đây là dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy nghiên cứu cần làm rõ, chứng minh được hiệu quả kinh tế - xã hội đối với sự phát triển của đất nước mà dự án mang lại.

“Định hướng nghiên cứu phải so sánh với tổng thể các lĩnh vực vận tải, chứng minh được ưu thế vượt trội của đường sắt tốc độ cao so với đường bộ, hàng không giá rẻ. Nghiên cứu phải đề xuất lựa chọn đầu tư tàu tốc độ cao chở khách hay chở khách kết hợp chở hàng hóa, tốc độ bao nhiêu, công nghệ, suất đầu tư, bố trí ga trung tâm tại các địa phương dọc tuyến; cũng như phân kỳ nghiên cứu chi tiết đầu tư theo giai đoạn 5 năm để đánh giá về nợ công, lợi ích, tác động kinh tế - xã hội, tác động môi trường...” - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Bộ GTVT cũng yêu cầu ngay trong giai đoạn đầu nghiên cứu cần có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài ngành GTVT, nước ngoài, có sự so sánh giữa công nghệ các nước nhằm tạo sự công khai, minh bạch trong nghiên cứu và tiếp thu phản biện xã hội ngay từ đầu.

Ngày 28/2, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án nghiên cứu và các nhân sự tham gia phải ổn định, có chuyên môn, năng lực tốt. Ban chỉ đạo họp mỗi tháng 1lần, xây dựng lộ trình tiến độ cụ thể mục tiêu để tháng 10-11/2018 nghiên cứu dự án được Chính phủ thông qua, đến tháng 5/2019 trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Trước đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Trong đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm cả đánh giá tác động môi trường của dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT rà soát đề án đường sắt tốc độ cao vào năm 2018 và trình Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép đầu tư sẽ triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ 2020 đến năm 2030, trong đó ưu tiên các phân đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang.

Bộ GTVT cho biết, theo lộ trình đến năm 2018 phải trình Đề án đường sắt tốc độ cao lên Chính phủ để tiếp tục thẩm định, nếu khả thi sẽ trình Quốc hội. Phân đoạn đầu tư sẽ ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang, nếu làm những đoạn ngắn hơn nữa thì kiến nghị từ Hà Nội đi Phủ Lý (Hà Nam) và từ Thủ Thiêm (TPHCM) đi Long Thành (Đồng Nai).

Theo Bộ này, chiến lược quy hoạch đường sắt vẫn xác định lượng hành khách rất lớn trên trục Bắc - Nam, với lượng hàng hóa vận tải trong trung và ngắn hạn thì vẫn không có phương tiện nào khác tốt hơn đường sắt.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm