Việt Nam phản ứng việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đá Chữ Thập
(Dân trí) - Nói về việc 2 máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động tại đá Chữ Thập ngày 11/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, mọi hoạt động tại đây không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Báo giới muốn biết quan điểm của Bộ Ngoại giao về thông tin ngày 11/5 vừa qua, vệ tinh ISI đã công bố ảnh cho thấy hoạt động của 2 máy bay quân sự của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trả lời về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định lại, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển 1982. Bà Hằng nhấn mạnh nhận định, mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
“Trong tình hình hiện tại, Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Trước đó, những hình ảnh vệ tinh chụp hôm 11/5 vừa qua cho thấy máy bay quân sự Trung Quốc một lần nữa xuất hiện tại “căn cứ” lớn nhất ở đá Chữ Thập, thuộc Quần đảo Trường Sa. Hình ảnh cho thấy có hai loại máy bay giám sát cùng với một máy bay trực thăng quân sự hoạt động tại đảo đá đã được cải tạo, xây dựng này.
Đây được cho là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc được ghi nhận tại khu vực. Trước đó, máy bay vận tải quân sự Y-8 và máy bay tuần tra hàng hải KJ-200 cũng xuất hiện trên đá Chữ Thập vào ngày 3/5.
Tại cuộc họp báo chiều 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng được đề nghị bình luận về thông tin từ vệ tinh cho thấy rất nhiều tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc đang tập trung tại một số đá như Ba Đầu, Én Đất với số lượng hàng trăm tàu.
Đáp lại, bà Lê Thị Thu Hằng nói rõ, Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông. Việt Nam cho rằng, hoạt động của các nước tại khu vực cần phải tuân thủ các quy định liên quan của quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông.
Thực tế, dù đã tuyên bố, cam kết không có ý định quân sự hóa Biển Đông nhưng Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động bồi đắp, xây dựng trên đá Chữ Thập thành một căn cứ quân sự. Trung Quốc đã làm sân bay, trong đó có nhà chứa với sức chứa nhiều máy bay chiến đấu, thiết lập một trạm quan trắc sinh thái trên đảo vào tháng 1 vừa qua, một trạm nghiên cứu dưới biển sâu vào tháng 3 và đã đồn trú vĩnh viễn cho lực lượng Cứu hộ Trung Quốc trên đá Chữ Thập từ tháng 2.
Đến ngày 19/4, Trung Quốc đã công bố hai khu hành chính mới để quản lý Biển Đông, đó là quận Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Thông báo ngay lập tức bị Việt Nam lên án mạnh mẽ.
Phương Thảo