1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Việt Nam kiểm soát chặt khi nhập khẩu "gà già, gà thải"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, việc nhập khẩu thịt gia cầm được đảm bảo chặt chẽ trong tất cả các khâu, đảm bảo an toàn.

Nền chăn nuôi đáp ứng được nhu cầu của người dân

Sáng 7/8, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tập đoàn Informa Markets tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm Vietstock 2024 với chủ đề "Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn".

Tại buổi họp báo, phóng viên báo Dân trí đặt câu hỏi về việc thời gian qua, lượng thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam tăng, đặc biệt là "gà thải" và với việc nhập khẩu như vậy có đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch bệnh hay không; ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia cầm trong nước như thế nào?

Trả lời vấn đề trên, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết nước ta có nền chăn nuôi rất phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Việt Nam có tổng đàn gia cầm khoảng 600 triệu con và trứng gia cầm năm 2023 khoảng 19,2 tỷ quả. 

Việt Nam kiểm soát chặt khi nhập khẩu gà già, gà thải - 1

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo ông Thắng, hiện nay, chúng ta gia nhập 19 hiệp định thương mại sâu rộng trên thị trường thế giới nên có việc nhập khẩu gia cầm. Song việc này không ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia cầm trong nước. Việc nhập khẩu thịt gia cầm được đảm bảo chặt chẽ trong tất cả các khâu, đảm bảo an toàn.

"Chúng ta có tổng đàn gia cầm rất lớn, nhu cầu rất lớn, khi vào sân chơi lớn phải chấp nhận chia sẻ với các nước trong khu vực cũng như quốc tế", ông Thắng nói và cho biết thêm, trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển có loại "gà già" và loại gà này vẫn được bán trên các kệ hàng thực phẩm, có giá rẻ hơn. 

Loại gà này khi được nhập về Việt Nam đều được kiểm duyệt chặt chẽ về chất lượng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tham mưu với Chính phủ trong việc phòng, chống buôn lậu gia cầm và đạt được những hiệu quả tích cực.

Cũng tại buổi họp báo, ông Dương Tất Thắng khẳng định ngành chăn nuôi cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho 100 triệu dân. 

Những năm gần đây, chúng ta hội nhập sâu rộng trên thị trường thế giới, các sản phẩm về chăn nuôi như mật ong, lợn sữa, tổ yến, gà chế biến,... được xuất khẩu đi những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu,...

Việt Nam kiểm soát chặt khi nhập khẩu gà già, gà thải - 2

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, hiện nay ngành chăn nuôi trong nước nói chung và thế giới nói riêng có những khó khăn nhất định như biến động thị trường, thức ăn chăn nuôi, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,...

Đây là những vấn đề cấp bách mà ngành chăn nuôi cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững cần nhiều khía cạnh đảm bảo hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi động vật.

Do đó, xu hướng chuyển dịch ngành chăn nuôi trong thời gian tới cần phát triển, đáp ứng đồng bộ, sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn,...

Chính vì vậy, chủ đề của Vietstock 2024 là "Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn".

"Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đưa ngành phát triển, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam", ông Thắng nói.

Chăn nuôi chiếm hơn 1/4 tỷ trọng ngành nông nghiệp

Theo ông Dương Tất Thắng, hiện chăn nuôi chiếm hơn 1/4 tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chăn nuôi Việt Nam đã có những bước tiến nổi bật mới trong bối cảnh phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế. Tổng sản lượng của ngành chăn nuôi năm 2023 tăng 6,38% so với năm 2022.

Trong 3 năm qua, Việt Nam luôn duy trì đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng, cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi mỗi năm.

Đàn gia cầm đứng top đầu thế giới, trong đó thủy cầm đứng thứ 2 thế giới.

Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới.

Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. 

Trong các tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành 5 Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi.

Ngay trong ngày đầu tháng 8, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. 

Triển lãm Vietstock 2024 do Cục Chăn nuôi phối hợp với Tập đoàn Informa Markets (được đại diện bởi Công ty TNHH Dịch vụ Triển lãm SES tại Việt Nam) sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến hết 11/10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TPHCM.

Triển lãm Vietstock 2024 dự kiến có hơn 400 đơn vị đăng ký trưng bày gian hàng của doanh nghiệp trong nước và quốc tế với khoảng 13.000 lượt khách tham quan.

Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị 2 hội trường lớn với sức chứa 250 đại biểu và 4 phòng họp chuyên dụng để tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại…. Dự kiến có hơn 80 diễn giả trong nước và quốc tế đăng ký tham gia.