1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ giúp sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đề nghị phía Hoa Kỳ chuyển giao giống virus đã nghiên cứu thành công và cắt bỏ gien độc (ASFV-G-ΔI177L) cho Việt Nam nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã tiếp đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - những người trực tiếp nghiên cứu và tạo ra một chủng virus nhược độc có hiệu quả tốt chống lại chủng virus dịch tả lợn châu Phi đang gây ra các ổ dịch tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bao gồm TS. Cyril Gay, Trưởng Chương trình Bảo vệ và Chăn nuôi động vật; TS. Manuel Borca, Trưởng nhóm nghiên cứu các bệnh ngoại lai của Hoa Kỳ; TS. Douglas Galdue, Nghiên cứu chính về bệnh dịch tả lợn châu Phi và một số đơn vị liên quan của phía Hoa Kỳ.

Những chuyên gia này đã trực tiếp tổ chức nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng cách xóa đoạn gien I177L cho miễn dịch tốt chống lại chủng vi rút dòng Á-Âu đang lưu hành hiện nay - có nguồn gốc từ chủng Georgia năm 2007 (ASFV-G), kiểu gen II.

Lợn được tiêm bắp với virus nhược độc được xóa gien I177L (viết tắt là ASFV-G-ΔI177L) với liều tiêm từ 102 đến 106 HAD50 vẫn khỏe mạnh bình thường về lâm sàng trong thời gian theo dõi là 28 ngày. Tất cả lợn được tiêm virus ASFV-G-ΔI177L đều cho lượng virus huyết thấp và không bài thải virus ra môi trường. 

Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ giúp sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi - 1

Lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm dịch trên đàn lợn có dấu hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Anh Tuấn).

Quan trọng hơn là khi công cường độc với chủng virus độc lực cao ASFV-G thì những con lợn đã được tiêm vaccine được bảo hộ tốt. Như vậy, chủng virus vắc xin nhược độc ASFV-G-ΔI177L là một trong số ít các chủng virus dịch tả lợn châu Phi có thể cho bảo hộ cao chống lại chủng virus cường độc ASFV-G và là loại vaccine đầu tiên có khả năng tạo miễn dịch tốt chống lại chủng virus dịch tả lợn châu Phi đang gây ra các ổ dịch hiện nay.

Kết luận được nhóm chuyên gia Hoa Kỳ đưa ra là, cơ chế miễn dịch bảo hộ chống lại chủng virus cường độc trên lợn vẫn chưa được phân tích kỹ, tuy nhiên chủng virus nhược độc ASFV-G-ΔI177L cho thấy có sự tương quan về việc sản sinh kháng thể đặc hiệu kháng virus dịch tả lợn châu Phi với sự bảo hộ đối với virus dịch tả lợn châu Phi độc lực cao.

“Mặc dù liều tiêm vắc xin nhược độc khác nhau nhưng khi công cường độc, các lô lợn thí nghiệm đều sinh kháng thể và đều đạt mức bảo hộ sau 14 ngày. Chủng virus nhược độc ASFV-G-ΔI177L được đề xuất sử dụng để sản xuất vắc xin đối với chủng virus dịch tả lợn châu Phi đang gây bệnh tại châu Âu, Trung Quốc và Đông Nam Á hiện nay” – nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Với kết quả nghiên cứu này, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đề nghị phía Hoa Kỳ chuyển giao giống virus đã nghiên cứu thành công và cắt bỏ gien độc (ASFV-G-ΔI177L) cho Việt Nam để tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

Từ chiều ngày 10-14/2, các đơn vị và doanh nghiệp có tiềm năng, có khả năng đầu tư, phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc xin của Việt Nam, bao gồm:  Công ty CP Tập đoàn Dabaco,  Công ty CP Thuốc thú y Trung ương 5, Công ty CP Thuốc thú y Navetco sẽ bố trí tiếp, làm việc cụ thể về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật.

Hiện nay, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là tác nhân gây bệnh với tỷ lệ lợn bệnh, lợn chết cao và gây tổn thất lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn. Vì chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, biện pháp kiểm soát chủ yếu là khống chế ổ dịch và tiêu hủy lợn bệnh.

Theo Bộ NN&PTNT, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 8.500 xã xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con, tổng trọng lượng là hơn 340.000 tấn.

Hiện đã có hơn 8.000 xã (chiếm 93,7% tổng số xã có dịch) thuộc hơn 600 huyện đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới; 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày; 32 tỉnh, thành phố có 85% số xã đã qua 30 ngày.

Cả nước chỉ còn 539 xã (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày. Như vậy, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả.

Nguyễn Dương