Việt Nam đề nghị Australia hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia
(Dân trí) - Chủ tịch nước đề nghị Australia hợp tác chặt chẽ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Australia để chống phá Việt Nam.
Sáng 4/4, ngay sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Toàn quyền Australia David Hurley nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Toàn quyền.
Trao đổi về quan hệ song phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Toàn quyền David Hurley cho rằng hai nước vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác, từ đó nhất trí trao đổi về việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào thời gian phù hợp.
Theo hai nhà lãnh đạo, Việt Nam và Australia cần tiếp tục củng cố tình hữu nghị, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị của các giới trong xã hội.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị trên tinh thần văn kiện Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia (EEES) đã ký kết, hai bên cần gia tăng hợp tác thương mại và đầu tư hai chiều bằng các biện pháp hữu hiệu, trong đó xem xét tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của nhau.
Hai bên cũng nhất trí cần có chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nhau.
Người đứng đầu Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, kết cấu hạ tầng, khai khoáng, viễn thông, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục...
Theo Chủ tịch nước, hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình là điểm sáng trong hợp tác song phương. Chủ tịch nước đề nghị Australia tiếp tục hợp tác chặt chẽ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp; kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Australia để tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam.
Toàn quyền Australia nhất trí việc hai bên quan tâm hơn nữa các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân. Theo ông, hai bên cần sớm hoàn tất thủ tục để triển khai Bản ghi nhớ về Chương trình thị thực nông nghiệp Australia để công dân Việt Nam có thể sang làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tại Australia, đồng thời khuyến khích thêm nhiều công dân Australia sang du lịch, học tập tại Việt Nam.
Toàn quyền Australia cũng muốn thúc đẩy triển khai các hoạt động quảng bá du lịch sau đại dịch, tăng cường kết nối địa phương…
Ông khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Australia sinh sống, học tập, lao động, thành lập các hội, đoàn tích cực phù hợp với luật pháp sở tại; đồng thời đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Australia sang Việt Nam du lịch, học tập, đầu tư và kinh doanh.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước đánh giá cao việc Australia dành ưu tiên cho quan hệ với Đông Nam Á và Việt Nam, coi trọng, tăng cường quan hệ với ASEAN.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; cùng với các nước hợp tác xây dựng một khu vực ổn định, phồn vinh, tôn trọng chủ quyền quốc gia và bảo đảm thượng tôn pháp luật.