1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam đã trao đổi về việc bắt giữ, xử phạt ngư dân

(Dân trí) - “Tôi đã đặt vấn đề trực tiếp với Tư lệnh hai nước mà ngư dân VN hay bị bắt giữ và xử phạt cứng rắn nhất là Indonesia và Malaysia là ngư dân nghèo đánh cá, trình độ hiểu biết có hạn nên nếu vi phạm là không chủ ý…”

Trung tướng Nguyễn Văn Hiến, Phó Đô đốc Hải Quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam trao đổi bên lề Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 5.

Vấn đề “nóng” trên biển Đông hiện nay là tranh chấp giữa các nước liên quan. Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần này có đặt ra mục tiêu giải quyết vấn đề thời sự này, thưa Phó Đô đốc?

Hải quân là lực lượng hoạt động thực tiễn, chủ chốt trong quản lý vùng biển, khẳng định chủ quyền. Trong khuôn khổ hội nghị lần này, hải quân VN đã tiến hành trao đổi riêng với các đoàn về vấn đề biển Đông.

Tất cả các bên đều đồng ý việc xử lý tranh chấp thì phải dựa theo luật pháp quốc tế, đặc biệt Luật biển năm 1982, DOC và gần đây nhất là hướng dẫn thực hiện DOC mà vừa đạt được thỏa thuận tại Bali, Indonesia vào tháng 6/2011. Đặc biệt, phải tôn trọng DOC là giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực.
Việt Nam đã trao đổi về việc bắt giữ, xử phạt ngư dân - 1
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến tại Hội nghị Tư lệnh ASEAN 5.

Như Phó Đô đốc nói, hải quân các nước đều đóng vai trò chủ chốt để bảo vệ chủ quyền và an ninh biển. Nhiều ý kiến kỳ vọng, Hội nghị sẽ tạo sức mạnh chung cho ASEAN trên khu vực “nhạy cảm” này?

Hợp tác hải quân trong ASEAN rất quan trọng. Trước đây, các vấn đề biển được coi là nhạy cảm nên diễn đàn hải quân không được gọi là hội nghị mà chỉ là tương tác hoặc gặp gỡ hải quân ASEAN và tổ chức ngắt quãng. Lần này VN đưa diễn đàn lên thành Hội nghị Tư lệnh hải quân chính thức, đã được ủng hộ nhiệt liệt và đồng thuận rất cao từ các nước.

Có thể nói, hải quân VN đã mở ra nền tảng hợp tác hải quân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình an ninh biển hiện nay không chỉ liên quan tới các nước nằm bên bờ biển Đông mà thậm chí cả các nước thành viên ASEAN không có biển, các quốc gia bên ngoài khu vực song có lợi ích tại biển Đông. Hội nghị lần này là sự củng cố cấu trúc an ninh hải quân mới của ASEAN, góp phần vào cấu trúc an ninh lớn để đảm bảo an ninh cho khu vực.

VN đã đưa ra những sáng kiến gì trong hội nghị lần này?

VN đưa ra hai sáng kiến: một là đưa ra các định hướng phát triển hải quân trong một thời gian từ 2 - 5 năm để xây dựng nên nền tảng phát triển hải quân. Hai là giao lưu sĩ quan trẻ. Đối tượng tham gia được xác định là các sĩ quan trẻ có độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống và ở cấp đại úy trở lên

Ngoài ra, để tránh các va chạm khi hoạt động trên biển của hải quân ASEAN và tăng cường quan hệ, hải quân VN đưa ra sáng kiến cụ thể là các tàu, máy bay của hải quân ASEAN khi hoạt động  trên biển và gặp nhau thì đánh tín hiệu chào để tạo ra sự thân thiện, tránh sự rủi ro va chạm không cần thiết.

Một vấn đề khác đối với Việt Nam là việc ngư dân bị đe dọa hoặc bị tịch thu tài sản trong quá trình đánh bắt trên các vùng biển trong khu vực. Hải quân làm gì để giúp đỡ ngư dân của mình?

Cả chính quyền và hải quân VN hiện đang thực hiện chương trình giáo dục ngư dân để ngư dân VN hiểu rõ vùng biển của nước mình đến đâu, có đầy đủ thiết bị xác định được vị trí đang đánh bắt, nắm được luật là khi xâm phạm vùng biển nước khác sẽ bị xử phạt thế nào....

Trong quá trình trao đổi riêng với các tư lệnh, tôi đã đặt vấn đề trực tiếp với hai nước mà ngư dân VN hay vi phạm nhất và bị xử phạt cứng rắn nhất là Indonesia và Malaysia. Tôi nói với các tư lệnh là ngư dân VN là những ngư dân nghèo đánh cá, trình độ hiểu biết có hạn nên họ vi phạm là không chủ ý và không có ý xâm phạm chủ quyền.

Hiện VN đang tiến hành thỏa thuận phân chia giữa các nước, giáo dục ngư dân, thực hiện tuần tra chung để tránh sự hiểu lầm lẫn nhau. Sau các cuộc trao đổi riêng với hải quân VN, các tư lệnh hải quân Indonesia và Malaysia đều đồng ý sẽ xử phạt không quá cứng rắn đối với các ngư dân VN vi phạm.
 

Phó đô đốc Hải quân Philippines Alexander Pama - Sĩ quan cầm cờ trong tư lệnh Hải quân Philippines: Tình hình Biển Đông có nhiều thách thức vì vậy các nước ASEAN phải cùng nhau hợp tác. Lớn hơn cả tranh chấp, các nước ASEAN cần hợp tác để tạo đồng thuận. Không thể biện minh bằng các cuộc đàm phán song phương cho các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp biển Đông.

Philippines và VN cùng một số nước trong khu vực không cần thiết cùng nhau gây sức ép với Trung Quốc mà cùng nỗ lực hợp tác với nhau để làm vững mạnh lực lượng hải quân của nhau và xây dựng quan hệ đối tác trong hải quân tại khu vực biển Đông.

Về đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang đòi hỏi ở biển Đông, Philippines không thể nói thay cho các nước trong khu vực nhưng Philippies bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động có liên quan đến vấn đề này ở biển Đông của Trung Quốc và vẫn giữ vững quan điểm của mình.

Hiện hải quân Philippines chưa có thông tin về việc Trung Quốc sẽ đưa tàu sân bay đến biển Đông.

Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz bin Hj Jaafar - Tư lệnh Hải quân Malaysia: biển Đông là vùng biển dành cho tất cả các nước tự do đi lại vì đây là vùng biển quốc tế. Vì vậy, sự tự do trên vùng biển này cần phải được nhấn mạnh. Trung Quốc có quyền đưa tàu bay đến biển Đông song phải tôn trọng chủ quyền đối với các nước có chung đường biển này.

 
Hải Long (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm