1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO

(Dân trí) - Ngày 11/1, tại Geneva, Tổ chức Thương mại thế giới WTO sẽ tiến hành nghi lễ trao thẻ thành viên chính thức cho Việt Nam. Cùng với việc chính thức trở thành thành viên của WTO, Việt Nam cũng chính thức phải <A href="http://www.dantri.com.vn/Sukien/2007/1/161789.vip"> thực hiện các cam kết đã đưa ra với WTO</a>.

Chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO có thể coi là một sự kiện tốt đẹp khởi đầu cho năm 2007, cho dù sự kiện đó đã được biết và trông đợi từ trước.

Trước đó, Việt Nam đã kết thúc năm 2006 với thành công của việc đàm phán gia nhập WTO và quan trọng hơn là những chỉ số kinh tế vĩ mô vượt trên sự mong đợi.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 đạt con số kỷ lục 10,2 tỉ USD, mức thu hút vốn FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997 đến nay. Cam kết tài trợ vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) 4,45 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 22,1%.

 

Vào WTO, cho dù có nhiều thách thức, Việt Nam có lợi thế khi tận dụng được kinh nghiệm từ các nước đi trước. Việc phải thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO cũng sẽ là một động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh các tiến trình cải cách.

Để đạt được thành quả ngày hôm nay, Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong tiền trình hội nhập và thích nghi với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, quá trình phát triển đó không đồng bộ và chưa có sự tương xứng giữa khu vực Nhà nước và kinh tế tư nhân, giữa các quy trình thủ tục hành chính và thực tế phát triển.

Sau khi chính thức vào WTO, nhiều chuyên gia dự báo, sẽ xuất hiện làn sóng cải cách mới ở Việt Nam, để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường và thực hiện tốt những cam kết đã đưa ra với WTO.

Tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam

 

Tháng 1/1995: Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO.

 

Ngày 31/1/1995: Đại hội đồng WTO đã thành lập Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO do ông Seung Ho (Hàn Quốc) làm chủ tịch.

 

Tháng 8/1996, Việt Nam gửi tới Ban thư ký WTO "Bị Vong lục về Chế độ ngoại thương Việt Nam". Sau đó, Ban Công tác đã tổ chức 9 phiên họp để đánh giá tình hình chuẩn bị của Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam trực tiếp giải thích chính sách.

 

Đầu năm 2002, Việt Nam đã gửi Bản chào ban đầu về thuế quan và Bản chào ban đầu về dịch vụ tới WTO. Bắt đầu tiến hành đàm phán song phương với một số thành viên có yêu cầu đàm phán từ năm 2002 - 2006.

 

10/2004: Kết thúc đàm phán song phương với EU - đối tác lớn nhất.

 

5/2006: Kết thúc đàm phán song phương với Mỹ - đối tác cuối cùng trong 28 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương.

 

Ngày 26/10/2006: Kết thúc phiên đàm phán đa phương cuối cùng. Ban Công tác chính thức thông qua toàn bộ hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam. Tổng cộng đã có 14 phiên họp đa phương từ tháng 7/1998 đến tháng 10/2006.

 

Ngày 7/11/2006: WTO triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng tại Geneva để chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO.

 

Ngày 29/11/2006, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn kết quả thỏa thuận, và đã ủy quyền cho Chính phủ gửi đến WTO bản Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam.

 

Ngày 6/12/2006: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Lệnh công bố Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư.

 

Ngày 11/12/2006: đại diện Việt Nam đã trao thư của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đến Ban Thư ký WTO, thông báo việc Quốc hội nước ta đã phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam.

 

Ngày 11/1/2007: WTO tiến hành nghi lễ trao thẻ thành viên WTO chính thức cho Việt Nam.


 (Nguồn: Bộ Thương mại) 

T.V