Việt Nam chia sẻ diễn biến phức tạp ở Biển Đông tại các hội nghị ASEAN

Chuỗi hội nghị trên bao gồm Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 17 và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 13 để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Hội đồng APSC lần thứ 13. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Hội đồng APSC lần thứ 13. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)

Ngày 20/11, các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tại các hội nghị, các Bộ trưởng đã rà soát và hoàn tất mọi mặt công tác chuẩn bị về chương trình nghị sự, chương trình hoạt động và các văn kiện cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.

Dự kiến, tại các Hội nghị Cấp cao lần này, sẽ có khoảng hơn 50 văn kiện, trong đó có 3 văn kiện được ký kết là Tuyên bố Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Công ước ASEAN về Chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; và khoảng 20 văn kiện được thông qua về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Về tiến trình xây dựng Cộng đồng, các Bộ trưởng đánh giá cao ý nghĩa và tác động lâu dài của việc hoàn thành các Kế hoạch tổng thể trên 3 Trụ cột Cộng đồng (Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội) kể cả sau thời điểm Cộng đồng ASEAN ra đời vào ngày 31/12/2015, với mức độ cam kết và hợp tác sâu sắc hơn giữa các nước thành viên và giữa ASEAN với các đối tác.

Các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và phối hợp của các cơ quan trong ASEAN, tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN, trong đó có việc triển khai 71 khuyến nghị của Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF) về cải tiến bộ máy tổ chức ASEAN đã được các lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2014.

Các Bộ trưởng cũng dành thời gian trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh ASEAN cần tăng cường hợp tác trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực, nỗ lực phát huy đoàn kết thống nhất trong Cộng đồng, tích cực chủ động trước các thách thức và hoạt động hiệu quả trên nền tảng tổ chức theo luật định.

Đoàn Việt Nam đã tham gia và tích cực đóng góp ý kiến tại các hội nghị. Chia sẻ về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là một quá trình liên tục và lâu dài, ASEAN cần tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn liên kết trong giai đoạn tiếp theo; đề nghị ASEAN cần thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đề nghị ASEAN dành ưu tiên cho triển khai Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN và Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó chú trọng xây dựng danh mục các dự án ưu tiên phù hợp với nhu cầu của các nước CLMV, nâng cao tính chủ động của các nước CLMV trong việc đề xuất dự án, tăng cường huy động nguồn lực thông qua các phương thức như Đối tác Công tư (PPP); và đề nghị các kênh liên quan sớm hoàn tất văn kiện Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III để trình các lãnh đạo ASEAN thông qua trong năm 2016.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN cần củng cố vai trò trung tâm để hỗ trợ xây dựng Cộng đồng, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực và trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như định hình cấu trúc khu vực trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. ASEAN cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động, bao gồm củng cố Ban Thư ký ASEAN và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong ASEAN.

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, tác động tới ASEAN cả mặt thuận và không thuận.

Trong bối cảnh đó, ASEAN cần củng cố vững chắc đoàn kết, thống nhất làm điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và thành công chung của Cộng đồng; nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả và kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Về Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đề nghị ASEAN cần tiếp tục thể hiện tiếng nói chung và vai trò chủ động trong vấn đề này nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là Điều 5, cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan.

Tại cuộc gặp, hai bên đã cùng nhau trao đổi một số biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Singapore.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao Singapore luôn là đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, cảng biển, du lịch, công nghiệp.

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết thông qua các cơ chế khu vực như ASEAN, TPP.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Singapore hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để công dân Việt Nam nhập cảnh Singapore nhanh chóng và thuận lợi, phù hợp với khuôn khổ quan hệ tốt đẹp hai nước. Hai bên cũng trao đổi về việc sớm xúc tiến đàm phán và ký kết Hiệp định đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Singapore.

Hai bên chia sẻ việc cần thúc đẩy các bên liên quan thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, sớm thương lượng thực chất về COC, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-chia-se-dien-bien-phuc-tap-o-bien-dong-tai-cac-hoi-nghi-asean/356600.vnp