Viện trưởng VKSND tối cao phủ nhận “tình tiết mới” trong kỳ án vườn mít

(Dân trí) - Trao đổi thêm về nhận định trong “kỳ án vườn mít”, không còn cơ sở nào để xem xét lại và Lê Bá Mai đã hết cơ hội để kêu oan, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình xác nhận: “Cho tới giờ này, tôi chưa thấy một cơ sở mới nào”.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình phân trần, về vụ việc này, như ông đã trả lời đại biểu Quốc hội, việc bà Nguyễn Thị Hảo (ngụ tại tỉnh Bắc Giang) đề nghị làm nhân chứng cho Lê Bá Mai nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định đấy không phải là tình tiết mới để tiến hành tái thẩm. Ông Bình thông tin, quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã làm việc với bà Hảo rồi.

“Tình tiết này có làm thay đổi bản chất vụ án không, thì chúng tôi cho là không. Bà Hảo không phải người biết trực tiếp chứng kiến vụ án. Chúng tôi làm việc trực tiếp với bà ấy và bà này khai ngay sau 4 ngày xảy ra vụ án mạng, bà vẫn không biết thông tin gì. Sáng ngày thứ 5, thấy đông người đi ra hiện trường khu vườn mít thì thì lúc ấy bà Hảo mới biết về vụ việc” – Viện trưởng VKDND tối cao phân tích, những thông tin biết sau sự việc phạm tội không thể làm chứng cho những việc trước đó được.
Viện trưởng VKSND tối cao phủ nhận “tình tiết mới” trong kỳ án vườn mít
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Tình tiết "nhân chứng mới" không làm thay đổi bản chất kỳ án vườn mít".

Lật lại chi tiết một thời gian sau bà Hảo có biết việc người tên Điểu Nguôi tối ngày 15 nói đi câu cá và cho rằng đó là thông tin chứng minh Lê Bá Mai không phạm tội nhưng giả sử thông tin đó là thực thì cũng không chứng minh được gì vì nạn nhân – cháu Thị Út đã bị giết trước đó 3 ngày rồi. Nghi ngờ Điểu Nguôi xuất hiện vào thời gian đó là hung thủ thì việc này là không có cơ sở.

Ngoài ra, theo Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình, bản thân lời khai của bà Hảo cũng có nhiều mâu thuẫn. Bà Hảo có nói ghi được các cuộc ghi âm, nhưng máy ghi âm thì không còn, các cuộc ghi âm đó thì chỉ có một mình bà này biết, không có ai làm chứng cả. Kết quả xác minh thì những người được hỏi, được ghi âm thì có người đã chết, có người nói “tôi không nói chuyện với chị ấy”.

“Chúng tôi khẳng định đây không phải chứng cứ để xem lại vụ án” – ông Bình khẳng định.

Về việc ông Bình cho rằng Lê Bá Mai không tiếp tục kêu oan sau phiên phúc thẩm “chung cuộc” ngày 25/8/2013, Viện trưởng VKSND tối cao giải thích, trong số 13 đơn kêu oan cho Lê Bá Mai mà Viện nhận được thì cha Lê Bá Mai (ông Lê Bá Triệu) đã gửi 6 đơn, không có đơn nào trong số đó của Lê Bá Mai tự viết. Ông Bình cũng phán đoán, có thể Lê Bá Mai có gửi đơn nhưng đơn thư đã chạy đâu đó mà đến giờ này, VKSND tối cao chưa nhận được.

Về phát ngôn cho rằng trong vụ án Lê Bá Mai “dù còn việc này việc khác vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” ông Bình đã nêu, Viện trưởng VKSND tối cao một lần nữa xác nhận “Có những việc đúng là sai sót trong quá trình điều tra”.

Ông Bình dẫn chứng, việc khám nghiệm hiện trường, khi phát hiện dấu vết xe máy ở hiện trường, đáng ra, cơ quan khám nghiệm phải dùng thạch cao để đổ, in lại, rồi đem đi khám nghiệm. Không rõ lý do gì cơ quan điều tra ở Bình Phước không làm thao tác này, thay vào đó họ đã chụp ảnh. Nhưng từ bức ảnh đó, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nhận định, cũng cho thấy xe máy có thể vào tới hiện trường.

Việc này trùng với thông tin bà Nguyễn Thị Hảo khai mấy ngày sau vụ án mạng đã cùng một người đi xe máy vào hiện trường. So sánh bản ảnh và lốp xe của Lê Bá Mai, cơ quan kỹ thuật hình sự Bộ Công an khẳng định có sự trùng nhau. Như vậy mặc dù không có khuôn thạch cao nhưng thông tin từ bản ảnh, theo Viện trưởng Bình, cũng nói lên được nhiều điều.

Về việc xem xét trách nhiệm của những người từng tuyên Lê Bá Mai vô tội rồi trả tự do trong quá trình tố tụng trước đây, người đứng đầu VKSND tối cao giải thích, hiện các cơ quan chức năng chưa bàn tới việc đó, chưa đặt vấn đề xem xét trách nhiệm của ai trong vụ án.

Ông Bình khái quát: “Nếu có sơ suất trong giai đoạn nào của tố tụng thì tất cả các cơ quan đều phải kiểm điểm rút kinh nghiệm, cho mình bài học thì mới nâng chất lượng công việc lên được. Như việc khám nghiệm có sai sót như vậy thì phải rút kinh nghiệm. Cả cơ quan truy tố, xét xử, kiểm sát cũng phải rút kinh nghiệm. Trách nhiệm lớn nhất của các cơ quan liên quan là đã để vụ án kéo quá dài”.

P.Thảo