1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Kỳ án vườn mít” nóng lại tại Quốc hội

(Dân trí) - Bật lại thông tin báo cáo Quốc hội của Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình là bị cáo Lê Bá Mai trong “kỳ án vườn mít” đến nay không còn kêu oan, ĐBQH tỉnh Bình Phước khẳng định đang cầm trong tay đơn kêu oan về vụ án 10 năm trước…

Ngày 27/10, trong phiên thảo luận tại hội trường về luật Tổ chức TAND sửa đổi, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) tiếp tục đề nghị VKSNDTC xem xét lại vụ án vườn mít vì cho rằng diễn biến vụ việc trái với thông tin Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đã nói 2 ngày trước là không có điều kiện tái thẩm, giám đốc thẩm vụ án này. Sau phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Bá Mai đã không tiếp tục có đơn thư kêu oan.
 
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: Nói Lê Bá Mai không còn kêu oan là không chính xác.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: "Nói Lê Bá Mai không còn kêu oan là không chính xác".

Ông Hùng “bật lại” thông tin Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đưa ra với lập luận, ngay sau khi bị tuyên án chung thân ngày 30/8/2013 trong phiên xử phúc thẩm lần thứ 2, ngày 2/9/2013, Lê Bá Mai lại gửi đơn kêu oan. Bên cạnh đó bố mẹ Lê Bá Mai cũng liên tục gửi đơn kêu oan đến Chủ tịch nước và lãnh đạo nhiều cơ quan ban ngành.

"Kỳ án vườn mít” xảy ra từ năm 2004. Lê Bá Mai bị cáo buộc tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người tại xã An Khương (Hớn Quảng, Bình Phước). Trong các phiên xét xử từ 2005 đến nay, Lê Bá Mai hai lần bị tuyên tử hình, một lần được tuyên vô tội (2011) và bị tuyên chung thân trong phiên phúc thẩm lần 2 vào tháng 8/2013.

“Các luật sư bào chữa cho Lê Bá Mai cũng đã gửi đơn giám đốc thẩm đến cho Viện trưởng nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến. Nếu Viện trưởng chưa nhận được đơn kêu oan của Lê Bá Mai thông qua hệ thống trại giam thì khi nhận đơn của bố mẹ Lê Bá Mai, các cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra lại và có trách nhiệm trả lời - ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, có một người dân sẵn sàng đứng ra cung cấp thông tin minh oan cho Lê Bá Mai, đã khai báo cho cơ quan điều tra ngay từ đầu nhưng không rõ vì lý do gì bà không được mời làm nhân chứng. Bà này tên Nguyễn Thị Hảo, là người biết khá chi tiết về sự việc.

Bà Hảo đã có đơn xin ra làm chứng cho Lê Bá Mai vì không rõ lý do gì mà không được tòa gọi trong các phiên xử. Nhưng sau khi làm đơn xin ra làm chứng, bà Hảo đã bị điện thoại nặc danh đe dọa, hiện phải trở về quê.

Theo đó, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao tiếp tục nghiên cứu lại vụ án này, sớm có trả lời cho đương sự và gia đình vì những thông tin và nhân chứng như trên, đã đủ điều kiện để việc tái thẩm, giám đốc thẩm, tránh oan sai đáng tiếc đối với vụ án này.

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác tư pháp năm 2014 ngày 25/10 vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo, do vụ án kéo quá dài nên cơ quan chức năng đã rất thận trọng. Ngành đã lập hai tổ độc lập, một bên chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, còn vướng của quá trình điều tra, truy tố, bên kia phản biện lại.

Phiên tòa phúc thẩm sau đó đã được diễn ra công khai, có tranh tụng, với sự tham gia của đông đảo phóng viên, báo chí. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, bản thân Lê Bá Mai trong trại cho đến giờ không thấy có phản ứng, không có đơn thư kêu oan.

“Dù trong quá trình điều tra cũng có việc nọ, việc kia và sơ xuất nhưng những sơ xuất đó không làm thay đổi bản chất vụ án. Hiện tại, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, các yếu tố để xem lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đều không có. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi không thấy Lê Bá Mai có phản ứng gì, không thấy có đơn thư gì để kêu oan” - Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình thông tin trước Quốc hội.

P.Thảo