1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Viện Kiểm sát Nhân dân Sơn La nói về thông tin 1 tỉ đồng/suất nâng điểm

Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân  tỉnh Sơn La – cho biết, hiện chưa đủ căn cứ để khởi tố tội danh đưa-nhận hối lộ trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La.  Thông tin giá nâng điểm 1 tỉ đồng cho một thí sinh là không chính xác.

Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân  tỉnh Sơn La – cho biết, hiện chưa đủ căn cứ để khởi tố tội danh đưa-nhận hối lộ trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La. Thông tin giá nâng điểm 1 tỉ đồng cho một thí sinh là không chính xác.

Thực hư thông tin 1 tỉ đồng/suất nâng điểm

Từ lâu, dư luận ở Sơn La đã râm ran về đường dây tiền tỉ chạy vào các trường công an, quân đội, mà chỉ những người có vị thế, hoặc có tiền và mối quan hệ mới có thể “lo” được cho con em mình.

Có điều, khi vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La bị phanh phui, những phụ huynh có con nằm trong danh sách nâng điểm đều “chối bay, chối biến” việc nhờ vả, chạy điểm cho con. Vì vậy, thông tin tiền tỉ chạy điểm thi THPT quốc gia vẫn chỉ là lời đồn.

Tuy nhiên, vào sáng 25.5, báo chí đăng tải thông tin về "chi phí" để các đối tượng trong đường dây chạy điểm ở Sơn La thực hiện hành vi rút bài sửa, nâng điểm có giá trên dưới 1 tỉ đồng/ trường hợp.

Riêng ông Trần Xuân Yến nhận giúp 13 thí sinh (ông Yến khai trong 13 thí sinh này có 8 trường hợp là do ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La - nhờ). Bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhận giúp 16 thí sinh. Ông Đặng Hữu Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP.Sơn La) nhận giúp 4 thí sinh. Bị can Lò Văn Huynh (Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 7 thí sinh… 

Viện Kiểm sát Nhân dân Sơn La nói về thông tin 1 tỉ đồng/suất nâng điểm - 1

Các cán bộ của Sở GDĐT Sơn La đã thực hiện sửa bài, nâng điểm thi khi được sự nhờ vả, "đặt hàng".

Hiện thông tin trên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vì nếu các đối tượng khai chi phí để nâng điểm thi lên đến  1 tỉ đồng/suất, thì không chỉ bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, mà phải thêm tội đưa-nhận hối lộ. 

Trao đổi với Lao Động về những thông tin này, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Sơn La - xác nhận, Công an Sơn La đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Sơn La để đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên hiện chưa thể buộc tội các đối tượng về tội đưa-nhận hối lộ vì chưa đủ căn cứ.

Ông Tuấn cũng khẳng định thông tin chi phí 1 tỉ đồng/trường hợp nâng điểm là không đúng. Cũng chưa đủ căn cứ để xác định ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La có liên quan đến vụ án hay không.

Về hướng xử lý trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết, Viện KSND tỉnh Sơn La đang cố gắng trong vòng 1 tháng sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án, để đưa vụ việc ra xét xử.

Chứng cứ luận tội đưa-nhận hối lộ yếu?

Một nguồn tin khác tiết lộ với Lao Động, dù các đối tượng liên quan đã khai nhận hành vi, động cơ để thực hiện việc sửa bài, nâng điểm thi, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào lời khai thì chưa đủ căn cứ để buộc tội, chứng minh có việc đưa-nhận hối lộ. Nhiều chứng cứ trong vụ việc đã bị các đối tượng tiêu hủy, gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra.

Ngoài ra, việc thương thảo, nhờ vả nâng điểm chủ yếu dưới dạng “giao dịch miệng”, hoặc có chứng cứ nhưng đã bị hủy. Trong khi các phụ huynh có con nằm trong danh sách nâng điểm lại đang một mực phủ nhận việc dùng tiền “chạy điểm” cho con. 

Bất ngờ những bản giải trình giống nhau

Tuần qua, Tỉnh ủy Sơn La đã yêu cầu số cán bộ, đảng viên có con nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm ở Sơn La phải làm báo cáo giải trình.

Bất ngờ là những bản giải trình đều có nội dung giống nhau, khi cán bộ đều khẳng định trước Đảng ủy là không biết, không liên quan đến việc con được nâng điểm. 

Câu hỏi, vì sao đối tượng được nâng điểm thi đều rơi vào con quan chức, gia đình giàu có vẫn chưa có lời giải.

Theo Đặng Chung Lao động