“Việc Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí là trắng trợn”
(Dân trí) - Hoạt động mời thầu quốc tế từ phía Trung Quốc với 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ, là trắng trợn, nằm trong một ý đồ chiến lược có bài bản được soạn sẵn.
Thưa ông, không lâu sau khi phía Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, Cty dầu khí Hải Dương (CNOOC) của nước này lại chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông ý kiến như thế nào về những việc làm này của Trung Quốc?
Đó là một chuỗi các hoạt động liên tục, liên tục trên nhiều phương diện khác nhau của họ. Rõ ràng, có thể nói, đây là chuỗi các bước đi có tính toán trong chiến lược tiến ra biển nhằm thực hiện độc chiếm biển Đông trong phạm vi đường biên giới lưỡi bò mà Trung Quốc đã đưa ra từ lâu.
Tôi không bác bỏ những ý kiến cho rằng, những hành động mới đây là một “đòn gió” hay đây là một đối phó sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển, nhưng theo tôi nếu nhìn nhận một chuỗi các sự kiện thì đây không đơn thuần là một hành động trả đũa hay đối phó với công tác lập pháp của chúng ta vừa rồi mà nó nằm trong một ý đồ chiến lược có bài bản được soạn sẵn.
Nếu ráp nối việc mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam năm ngoái, ông có bình luận gì?
Bản chất là như nhau, nhưng các bước cụ thể thì có mức độ khác nhau. Trước đây họ dùng tàu hải giám cắt cáp, cản trở hoạt động chính đáng của ta, với lập luận đây là vùng biển của Trung Quốc một cách cực kỳ vô lý. Nhưng bây giờ là một bước cụ thể hơn, trắng trợn hơn, kêu gọi thầu quốc tế với các lô vẽ ngay trên thềm lục địa của ta, nơi mà chúng ta đang hợp tác khai thác với một số Công ty nổi tiếng của nước ngoài và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đang tiến hành việc làm của mình, khai thác cũng như bảo vệ tài nguyên, đem lại lợi ích của đất nước…
Những việc làm vừa qua của Trung Quốc cho thấy, dường như họ đang tìm cách biến những khu vực không tranh chấp thành những khu vực tranh chấp để rồi có thể tiến tới cùng khai thác?
Nhưng điều đáng nói ở đây là Trung Quốc không có chủ quyền, quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của chúng ta và các nước khác thì họ vẽ một đường biên giới vu vơ, rất rộng lớn (80% biển Đông) sát vào bờ biển của các nước ven biển ở Biển Đông để tạo ra vùng tranh chấp, để tranh giành tài nguyên. Không phải chỉ chúng ta nói điều này mà nhiều học giả - kể cả học giả Trung Quốc - đã nói.
Rõ ràng họ muốn biến vùng không có tranh chấp thuộc chủ quyền của người khác thành vùng có tranh chấp để chí ít họ không cho các nước khai thác tài nguyên chính đáng của người ta, nhảy vào xí phần, đề nghị cùng khai thác, không được cho nước thứ ba vào. Nếu không được thì họ làm theo kiểu các anh khai thác tôi cũng vào khai thác để dồn ép, gây sức ép. Nếu như không có sự tỉnh táo với cách làm này của Trung Quốc thì coi như họ đã thắng lợi trong ý đồ của mình.
Theo cách nói của ông ở phần đầu, Trung Quốc đang vin vào việc ta thông qua Luật Biển để thực hiện những hoạt động như vừa qua. Ông có thể phân tích kỹ hơn về việc này?
Việc Việt Nam thông qua Luật Biển vừa rồi là một hoạt động bình thường, không liên quan gì đến những vấn đề mà Trung Quốc đang làm. Chúng ta cần phải nội hóa Công ước Luật Biển bởi chúng ta với tư cách thành viên, cần cụ thể hóa tất các các quy định đó để áp dụng cho vùng biển của mình, điều chỉnh các quan hệ trên thực tế.
Thực ra, trước đây chúng ta đã có văn bản liên quan và bây giờ tổng hợp lại, bổ sung đầy đủ hơn, sửa đổi cho phù hợp với Công ước, đưa vào luật để luật hóa, làm công cụ cho nhà nước quản lý biển hiệu quả hơn - điều này rất bình thường.
Còn đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì từ lâu, nhà nước ta đã khẳng định đây là chủ quyền Việt Nam và ta có đầy đủ các cơ sở pháp lý, các tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh rất rõ. Còn chuyện Trung Quốc phản đối là điều trước đây họ vẫn làm và do họ có ý định muốn tranh giành chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa, các vùng biển khác thì họ phản đối.
Thực ra việc Trung Quốc mời đấu thầu 9 lô dầu khí nói trên nếu nói xuất phát từ việc ta thông qua Luật Biển thì hoàn toàn không đúng. Đó không phải là lý do duy nhất mà chủ yếu nhất như tôi đã phân tích, những bước đi này là những bước đi có tính toán sắp đặt sẵn trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc để tiến xuống biển Đông và hiện nay họ đang thực hiện bước mới so với trước đây. Hoạt động vừa qua nhằm thể hiện quyền năng của họ trong mặt quản lý cái mà họ gọi là của họ. Hai là tranh giành tài nguyên thiên nhiên của chính các nước ven biển như Việt Nam.
Sau phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau việc trao công hàm phản đối Trung Quốc về việc họ mời thầu tại 9 lô dầu khí, chúng ta cần có những hành động nào nữa, thưa ông?
Việc phản đối về mặt ngoại giao là cần thiết phải làm, đứng về mặt thủ tục pháp lý. Họ làm như vậy, mình phải có tiếng nói chính thức của nhà nước mình mà người đại diện là Bộ Ngoại giao. Đó là thủ tục pháp lý quan trọng, không thể thiếu được.
Nhưng điều quan trọng tiếp theo là phải làm sao có được những nhận định, đánh giá một cách chuẩn xác các bước đi của Trung Quốc trong thời gian vừa rồi và sắp tới là gì để thống nhất lại nhận định. Có ý kiến cho rằng, hành động vừa qua của họ chẳng qua là trả đũa về chính trị chứ không có ý nghĩa gì, nhưng tôi không nghĩ như vậy mà có những vấn đề khác và dù gì đi nữa thì đối với chúng ta lúc này cần song song các công việc cần làm.
Làm sao đó tuyên truyền, phổ biến, giải thích thật rõ để họ thấy Luật Biển, quy định của mình đúng đắn, phù hợp như thế nào, yêu sách của họ vô lý đến đâu, tai sao vô lý, có cơ sở gì không, hay hoàn toàn không có cơ sở gì. Điều này không chỉ làm trong nước mà cả quốc tế nữa, dù các nhà khoa học cũng nói nhiều rồi, người ta cũng phê phán và phía Trung Quốc cũng lúng túng khi trả lời. Như chúng ta thấy nhiều học giả Trung Quốc mà mới đây là nhà nghiên cứu biển Lý Lệnh Hoa đã phê phán “đường lưỡi bò” không có cơ sở, không nên thực hiện - đó là tiếng nói hết sức khách quan.
Đây là vấn đề khoa học, cái gì đúng phải làm rõ ràng, khách quan để không chỉ có lợi cho mình mà cả Trung Quốc. Những người có thiện chí giải quyết mọi việc tốt đẹp thì họ phải có cơ sở khoa học.
Thứ hai phải chuẩn bị các lực lượng của mình. Đây là vấn đề trên vùng đặc quyền kinh tế, anh muốn xử lý, lực lượng chấp chính của anh là gì, cảnh sát biển, kiểm ngư… như thế nào. Phải có lực lượng, có phương tiện và phải huấn luyện để có thể xử lý trên thực tế.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường (thực hiện)