1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Việc tôi làm, tôi không nghĩ được lên tuốt trên này kể với lãnh đạo"

Hoài Nam Ảnh, clip: Nam Thái

(Dân trí) - Ba năm chèo xuồng vớt rác trên kênh rạch, ông Hồ Chí Cường xem đó là việc bình thường, ông không nghĩ "mình được lên tuốt trên này để kể với lãnh đạo".

Lời chia sẻ chân thành, mộc mạc của ông Hồ Chí Cường, 68 tuổi tại lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả lần thứ 4" của TPHCM diễn ra vào sáng nay 12/3 làm nhiều người xúc động. 

Lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả lần thứ 4"

Gần 3 năm nay, hình ảnh ông Cường chèo xuồng đi vớt rác ở các kênh rạch trở nên quen thuộc với người dân ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM. 

Việc tôi làm, tôi không nghĩ được lên tuốt trên này kể với lãnh đạo - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao Bằng khen cho các gương thầm lặng cao cả 

Sau đó, ông còn mở rộng địa bàn "tác nghiệp" ra các ấp lân cận. Riêng ở rạch Ông Đồ, suốt nhiều năm qua, ông vớt rác ít nhất 1 lần/tuần. 

Ông vớt rác nhiều đến độ đến xuồng hao mòn, hư hỏng thường xuyên, đến nay đã thay mới đến lần thứ 3. Bà con xả rác càng nhiều, ông lại đi càng nhiều, gánh xuồng của ông lại nặng thêm. 

Việc tôi làm, tôi không nghĩ được lên tuốt trên này kể với lãnh đạo - 2

"Tôi không nghĩ được lên tuốt đây để kể với các lãnh đạo về việc làm bình thường của mình".

Ngoài ra, ông còn tích cực kêu gọi mọi người không xả rác, phát động bà con cùng dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, trồng cây ở nhiều tuyến đường... 

"Tôi chỉ nghĩ việc mình làm để môi trường sạch đẹp hơn. Để mọi người xung quanh, nhất là các cháu nhỏ ý thức hơn, bắt chước theo. Việc của tôi làm rất bình thường, tôi không nghĩ lại được lên tuốt trên này kể với lãnh đạo", ông Cường chân thành. 

Đồng thời ông bày tỏ cũng mong muốn, người dân cùng ý thức hơn, đất nước mình sẽ tươi đẹp hơn để ông không còn rác... để đi vớt. 

"Đứng trước cái chết, tôi chọn không lùi bước"

Sinh năm 1981, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành, Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TPHCM đã tham gia 173 vụ cứu nạn cứu hộ, cứu sống 82 nạn nhân và tìm được 27 thi thể. 

Anh nhớ nhất vụ tìm kiếm nạn nhân dưới hang sâu với địa hình vô cùng phức tạp xảy ra ở Cao Bằng vào cuối năm 2019.

Việc tôi làm, tôi không nghĩ được lên tuốt trên này kể với lãnh đạo - 3

Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao tặng Bằng khen Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quý

Nạn nhân rơi xuống hang từ nhiều năm trước, chỉ còn lại bộ xương. Nhưng hang sâu, địa hình quá hiểm trở, lực lượng chức năng tại địa phương không thể thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ nên nhờ sự hỗ trợ nhân lực, phương tiện từ Công an TPHCM. 

Anh Thành là người đích thân xuống hang vực hun hút, lúc đầu không xác định được độ sâu, nhỏ hẹp, rất khó luồn lách để xuống. Khi vào hang, bộ đàm và các thiết bị thông tin đều không thể liên lạc ra ngoài. 

Khi đó, anh đứng trước lựa chọn, quay lại hoặc có thể... chết, mình có thể gặp lại gia đình, người thân. Nhưng một sự thôi thúc bên trong, đứng trước cái chết, anh quyết không lùi bước. Và cuối cùng, anh thoát được cửa tử để hoàn thành nhiệm vụ. 

Các tấm gương cho đi thầm lặng, họ có thể là các y bác sĩ, giáo viên, công an, hưu trí, hay cho đến những người bán vé số... Tùy theo sức của mình, đóng góp vào những công việc thiện nguyện của cộng đồng. 

Tại buổi lễ, TPHCM tuyên dương 45 tập thể và 84 cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, khuyến học, bảo vệ môi trường, xung kích vì cộng đồng, an ninh trật tự, phòng chống Covid-19… 

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM  chia sẻ những tấm gương lặng lẽ cống hiến đang có mặt tại buổi lễ cũng như hàng triệu những tấm gương, những tấm lòng vàng và hành động thiện nguyện khác trong cộng đồng đã khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua. 

Họ làm công việc này một cách tự nguyện, không phải vì muốn được vinh danh, được khen thưởng mà chỉ xuất phát từ cái tâm trong sáng muốn làm đẹp cho cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn.

"Thông qua hoạt động tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" để giới thiệu, tôn vinh và tạo sự lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo thành thói quen muốn làm điều tử tế trong cộng đồng và từng bước trở thành nét văn hóa riêng có của người dân thành phố", Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM  nhấn mạnh.