Việc đổi tên cầu Nhật Tân cần làm đúng quy trình
(Dân trí) - Liên quan đến đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật, ngày 27/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc đổi tên cần phải tuân thủ đúng quy trình. Thực tế quy trình đặt, đổi tên đường phố Hà Nội đều qua HĐND quyết.
Ngày 27/8, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội - đi kiểm tra tiến độ thi công cầu Nhật Tân. Liên quan đến đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng việc đổi tên cần phải tuân thủ đúng quy trình.
Thực tế hiện nay, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về việc đặt, đổi tên đường phố, tên cầu... Do vậy, trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc này đều trình HĐND thành phố xem xét thông qua.
Trước đó, trong buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, ông Hiroshi Fukada - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân (Hà Nội) thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật. Lý do cho việc đổi tên là phía Nhật Bản muốn đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư chuẩn bị các thủ tục cần thiết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng cho phép đặt tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật theo đề xuất của Đại sứ Nhật Bản.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu được Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2006. Cầu Nhật Tân được khởi công vào tháng 3/2009, với tổng số vốn đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng từ nguồn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tổng chiều dài của dự án cầu Nhật Tân là 8,95km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Đến nay, phần lớn hạng mục dự án xây dựng cầu Nhật Tân đã hoàn thành.
Quang Phong