1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

"Vỉa hè bị tái lấn chiếm có thể do bảo kê"

(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM - cho rằng tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể do có người bao kê, bao che dung túng hoặc người đứng đầu địa phương buông lỏng địa bàn, năng lực quản lý yếu kém…

Tại kỳ họp kinh tế - xã hội tháng 5 của UBND TPHCM diễn ra ngày 30/5, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn tái diễn.

Quán ăn vỉa hè lấn chiếm lòng, lề đường Ngô Thời Nhiệm (góc Ngô Thời Nhiệm - Lê Quý Đôn), quận 3
Quán ăn vỉa hè lấn chiếm lòng, lề đường Ngô Thời Nhiệm (góc Ngô Thời Nhiệm - Lê Quý Đôn), quận 3

Theo phản ánh của báo chí, ông đi kiểm tra thực tế ngày lẫn đêm và khẳng định phản ánh của báo chí là chính xác. Ông chỉ ra một số địa phương để tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè như phường 12, phường 13 của quận Bình Thạnh; phường 1 của quận Gò Vấp; đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) và các quận trung tâm.

Theo ông Tường, đáng lẽ khi báo chí phản ánh, người đứng đầu địa phương như chủ tịch quận/huyện, phường/xã phải có động thái khắc phục chứ không nên để cho lãnh đạo thành phố phải nhắc nhở.

“Để tình trạng tái lấn chiếm có thể có người bảo kê, bao che dung túng hoặc do người đứng đầu địa phương buông lỏng địa bàn, năng lực quản lý yếu kém...”, ông Tường nói. Ông đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương tìm hướng lập lại trật tự vỉa hè, không thể báo, đài phản ánh rồi mà “sự việc rơi vào im lìm”.

Về tình hình giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết trong 5 tháng đầu năm tai nạn giao thông tăng cao, đặc biệt là khu vực cửa ngõ thành phố như quận Bình Tân và huyện Bình Chánh (chiếm 30% số vụ). Trong 4 tháng đầu năm có đến 240 người chết, đến tháng 5 tình hình có giảm, có 7 người chết.

Do đó, ông Tường đề nghị cần có biện pháp tập trung kéo giảm tình hình tai nạn giao thông ở khu vực huyện Bình Chánh, quận Bình Tân.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Công an TP, Sở Tài chính, phối hợp cùng các các địa phương để thống kê lại xem nơi nào cần thiết bị, phương tiện gì để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra giao thông.

Nguồn kinh phí là 70% số tiền xử phạt trong lĩnh vực giao thông mà thành phố được giữ lại. Nguồn tiền này cần được đầu tư, giải ngân hết. Theo ông, hiện nay còn nhiều địa phương gặp khó khăn, thiếu thốn phương tiện tuần tra như huyện Nhà Bè, Cần Giờ.

Quốc Anh