Vị trí đường hầm 3.300 tỷ đồng xuyên đèo Hoàng Liên
(Dân trí) - Dự án hầm đường bộ nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường tại đèo Hoàng Liên (độ cao trên 2.094m so với mực nước biển) sẽ thay thế 22km đường đèo nguy hiểm nhất trên quốc lộ 4D.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.
Dự án có chiều dài khoảng 8,8km, với 4,65km thuộc địa phận tỉnh Lai Châu và 4,15km thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.
Điểm đầu dự án kết nối với quốc lộ 4D tại km78+000 thuộc khu vực huyện Tam Đường, điểm cuối kết nối vào trục đường D1 theo Quy hoạch chi tiết Khu dân cư tổ 13 phường Ô Quy Hồ, thị xã Sa Pa.
Công trình hầm gồm 2 ống hầm cách nhau dự kiến 30m, chiều dài mỗi ống hầm 2,5km, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm xuyên núi của Nhật Bản, kết hợp với tiêu chuẩn TCVN (hầm đường sắt và hầm đường ô tô - quy phạm thi công, nghiệm thu).
Trên tuyến sẽ xây dựng 10 cầu (địa phận tỉnh Lai Châu 6 cầu và Lào Cai 4 cầu).
Sau khi đưa vào sử dụng dự án Hầm Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường tại đèo Hoàng Liên (độ cao đèo trên 2.094m so với mực nước biển) sẽ thay thế được 22km đường đèo nguy hiểm nhất trên tuyến quốc lộ 4D.
Thời gian di chuyển qua đèo từ khoảng 50 phút với ô tô con và 2 giờ với xe tải chở nặng như hiện nay sẽ được rút ngắn xuống còn 11 phút khi lưu thông qua hầm.
"Khi đó, thời gian di chuyển giữa thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ và loại bỏ được các đoạn đường cong cua nguy hiểm, độ dốc cao qua đèo Hoàng Liên (Ô Quy Hồ)", báo cáo ĐTM thông tin.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lai Châu được giao làm chủ đầu tư dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng này.
Năm 2023, HĐND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công.
Dự án cực kỳ quan trọng đối với Lai Châu
Báo cáo ĐTM khẳng định, giao thông bằng đường bộ là con đường duy nhất để tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong khu vực, giúp kết nối Lai Châu với tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và điểm du lịch lớn như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên Phủ (Điện Biên).
Tuy nhiên, Lai Châu nằm ở vị trí khá xa các cực tăng trưởng lớn của đất nước và điều kiện kết nối về giao thông chưa được đồng bộ, thuận lợi - trở thành yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh này.
"Trong đó, tuyến quốc lộ 4D còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn đoạn qua đèo Hoàng Liên là đỉnh đèo cao nhất có cao độ >2.000m; dài nhất; đẹp nhất; nguy hiểm nhất trong "tứ đại đỉnh đèo" ở Việt Nam.
Đoạn qua đèo Hoàng Liên có chiều dài khoảng 30km với địa hình hiểm trở, điển hình là 5 khúc cua nguy hiểm tại khu vực đỉnh đèo Cổng Trời - Ô Quý Hồ; vị trí khúc cua quay đầu tại Cầu Kính Rồng Mây và khoảng 30 khúc cua tay áo nguy hiểm với độ dốc >10% và một số đoạn lên tới 15%", báo cáo ĐTM thông tin.
"Tứ đại đỉnh đèo" gồm 4 con đèo cao và nguy hiểm bậc nhất Việt Nam: Đèo Mã Pí Lèng, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin.
Cả 4 con đèo đều nằm ở vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc, từ lâu trở thành những địa điểm "check-in" yêu thích của du khách với phong cảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ.
Khi đưa vào khai thác, hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kỳ vọng tạo đột phá về hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối tỉnh Lai Châu với hành lang kinh tế lớn phía Bắc.
Trong tương lai, khi hoàn thành tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì đây vẫn là tuyến đường chính yếu ngắn nhất để kết nối tỉnh Điện Biên, Lai Châu với Sa Pa (Lào Cai) và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án cũng sẽ tạo kết nối thuận lợi từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, góp phần thúc đẩy phát triển thông thương giữa hai nước.
Dự án chiếm dụng gần 72ha đất
Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên chiếm dụng gần 72ha đất các loại, trong đó phần ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Hoàng Liên khoảng 8,75ha (chiếm 0,029% diện tích phần vùng lõi của vườn quốc gia).
Chủ đầu tư cho rằng, khi phương tiện giao thông qua hầm giảm được 500m cao độ so với vượt đèo sẽ giảm thiểu tác động môi trường về khí thải, bụi và tiếng ồn khi đi qua.
Đỉnh đèo Hoàng Liên cũng có vị trí quan trọng trong thế trận quốc phòng an ninh. Dự án đầu tư góp phần tăng tính cơ động của vị trí chiến lược do cải tạo được yếu tố hình học của tuyến đường.
Công trình có ý nghĩa lưỡng dụng, có thể sử dụng để tăng tính bí mật cho hoạt động triển khai củng cố quốc phòng - an ninh, phục vụ tốt chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.