1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Vị thế và khả năng cạnh tranh của TPHCM đang bị "xói mòn"

Q.Huy

(Dân trí) - Theo TS Vũ Thành Tự Anh, TPHCM đang suy giảm tỷ lệ đóng góp cho GDP cả nước, đóng góp cho ngân sách và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Thành phố đã chạm ngưỡng của sự phát triển trong giai đoạn này.

So với các địa phương khác trong nước và một số đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, vị thế của TPHCM đang bị "xói mòn" và đứng trước nhiều thách thức. Đây là vấn đề được TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đề cập tới tại hội thảo khoa học tham vấn định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2026-2030, diễn ra ngày 24/8.

Để làm rõ luận điểm này, ông Vũ Thành Tự Anh đưa ra ví dụ về sự suy giảm của thành phố trong tỷ lệ đóng góp cho tổng sản phẩm (GDP) cả nước, tỷ trọng đóng góp cho ngân sách cũng như tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Những con số trên cho thấy rõ khả năng cạnh tranh và năng lực của TPHCM suy giảm dần.

Vị thế và khả năng cạnh tranh của TPHCM đang bị xói mòn - 1

TS Vũ Thành Tự Anh nêu ý kiến tại buổi hội thảo (Ảnh: Q.Huy).

"Các con số đóng góp GDP và ngân sách đã rõ nhưng một sự thay đổi đáng lưu ý khác là tỉ trọng xuất khẩu. Khoảng 5 năm trước, tỉ trọng đóng góp xuất khẩu của khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM, chiếm trên 50% cả nước, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 1/3. Trong khi đó, khu vực Đồng Bằng Sông Hồng đã đóng góp 53% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước", TS Vũ Thành Tự Anh nêu vấn đề.

Những điều này cho thấy, TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung đang có sự suy giảm về tầm quan trọng, vị thế và khả năng cạnh tranh so với vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Trong kế hoạch phát triển 2026-2030, thành phố cần đặt mục tiêu khôi phục lại vị thế của mình.

TS Vũ Thành Tự Anh thông tin thêm, so với các đô thị lớn trong khu vực như Kuala Lumpur hay Bangkok, TPHCM chưa thật sự cho thấy đủ năng lực để cạnh tranh. Các chỉ số đánh giá đô thị toàn cầu đã cho thấy rõ vấn đề này.

"Mô hình tăng trưởng của TPHCM đang không còn nhiều động lực, nghĩa là đã chạm ngưỡng của sự phát triển", TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, cấu trúc kinh tế hiện nay của TPHCM đang xuất hiện dấu hiệu suy giảm sản xuất công nghiệp. Thời điểm hiện tại, tỉ trọng sản xuất công nghiệp của thành phố chỉ còn chiếm khoảng 24% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

"Trong lý thuyết kinh tế, vấn đề này được gọi là "giải công nghiệp hóa sớm". Khi đặt mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình, duy trì tốc độ tăng trưởng 9-9,5% giai đoạn 2021-2030, công nghiệp vẫn phải là mặt trận hàng đầu của TPHCM. "Giải công nghiệp hóa sớm" sẽ làm chậm đi tốc độ tăng trưởng của địa phương", TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Vị thế và khả năng cạnh tranh của TPHCM đang bị xói mòn - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Q.Huy).

Hiện tại, dịch vụ và thương mại cũng là lĩnh vực quan trọng của TPHCM. Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa đủ mạnh, chưa đủ vững chắc để TPHCM bước tới giai đoạn phát triển mới và đạt tốc độ tăng trưởng 9-9,5%.

Vị chuyên gia cũng góp ý, để hiện thực hóa mục tiêu của các Nghị quyết Bộ Chính trị đã giao, TPHCM phải trở thành đô thị toàn cầu, hiện đại, đô thị văn hóa. Ngoài vấn đề kinh tế, địa phương cần chú trọng đến môi trường, văn hóa, xã hội.

"Trong nút thắt về thể chế, chúng ta cần giải bài toán ngược là xác định những động lực tăng trưởng quan trọng, trụ cột rồi đặt vấn đề cần thay đổi gì để đạt mục tiêu đó. Khi thực hiện Nghị quyết 98 hay Nghị quyết 54 trước đây, chúng ta thường bắt đầu bằng những vướng mắc thực tiễn. Hiện tại, thành phố hãy đặt tầm nhìn ngược lại để chuẩn bị các điều kiện về thể chế", TS Vũ Thành Tự Anh góp ý.

Phát biểu cuối cùng tại hội nghị, PGS TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, nhận định, trong bối cảnh gặp khó khăn, thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài và thể chế còn nhiều rào cản, những gì TPHCM đang làm là điều tương thích với bối cảnh. Nhưng nếu so với ước muốn và khát vọng, các chỉ số của thành phố cần cải thiện nhiều hơn.

PGS TS Trần Hoàng Ngân dẫn lại thông tin, so với một số đô thị của khu vực Đông Nam Á, TPHCM có chỉ số thông minh xếp thứ 105, trong khi Jakarta (Indonesia) xếp thứ 103; Bangkok (Thái Lan) xếp thứ 84; Kuala Lumpur (Indonesia) xếp thứ 73; Singapore xếp thứ 5. TPHCM chỉ xếp trên Manila (Philippines) xếp thứ 121.

Vị thế và khả năng cạnh tranh của TPHCM đang bị xói mòn - 3

PGS TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Các chỉ số đáng quan tâm khác là TPHCM đứng thứ 130/183 về chỉ số đánh giá sự dịch chuyển của các thành phố lớn trên thế giới; đứng thứ 54/198 về chỉ số phát triển chính quyền điện tử...

Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, các chỉ số trên sẽ giúp TPHCM định vị mình đang ở đâu để đạt mục tiêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị. 

Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định, thời gian tới, thành phố cần tập trung cho công tác quản lý Nhà nước, tạo ra các thể chế vượt trội, công khai, minh bạch. Sau khi sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 98, thành phố kỳ vọng có Luật Đô thị đặc biệt để giải được các vướng mắc về thể chế.

"Tôi mong TPHCM từ nay đến cuối năm 2025 có thể giải ngân 170.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Nếu giải ngân tốt, các khoản vốn sẽ giúp thành phố có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn chỉnh, làm bệ phóng cho giai đoạn 2026-2030", PGS TS Trần Hoàng Ngân bày tỏ.