TS Trần Du Lịch: TPHCM không thể phát triển nếu tư duy theo lối cũ
(Dân trí) - Góp ý với lãnh đạo TPHCM, TS Trần Du Lịch cho rằng, địa phương cần tận dụng thời cơ, khai thác các nguồn lực để tăng trưởng giai đoạn tới. Thành phố cần thay đổi tư duy mới đạt được các mục tiêu lớn.
Sáng 24/8, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội thảo khoa học tham vấn định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2026-2030. Buổi làm việc nhằm huy động trí tuệ, kinh nghiệm từ các vị chuyên gia, nhà khoa học cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố giai đoạn tới.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn các đại biểu sẽ mở rộng tư duy để thảo luận, đưa ra các định hướng cho TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn dài hơn. Các ý kiến cần làm rõ, đến năm 2030, thành phố cần đạt kết quả gì để làm nền cho năm 2035 và thời gian dài tiếp theo.
"Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã nêu, đến năm 2030, thành phố cần trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao... Những vấn đề này cần định lượng ra sao, thành phố cần đạt được cụ thể kết quả gì và giải pháp được đưa ra là gì?", ông Phan Văn Mãi định hướng phần thảo luận.
Người đứng đầu chính quyền thành phố chia sẻ thêm, theo các tổ chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu, Việt Nam còn 10 năm nữa để quyết định việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay vẫn "luẩn quẩn ở tầng dưới". Do đó, TPHCM cần tìm ra những điểm nghẽn, vấn đề then chốt cần thay đổi để vượt qua bẫy thu nhập trung bình giai đoạn này.
"Để cùng cả nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, thành phố phải tìm được những điểm nghẽn mà "không gỡ thì không sống được, không phát triển được". Chúng ta không thiết kế được thể chế, nhưng cần mạnh dạn tư duy để đề xuất cấp Trung ương tháo gỡ và cho thể chế", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Nêu ý kiến tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98, cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm đối với TPHCM thời gian tới là tận dụng thời cơ, khai thác nguồn lực để tăng trưởng nhanh, bền vững. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người của địa phương cần đạt 14.500 USD.
Về cơ hội để tận dụng, TS Trần Du Lịch cho biết, giai đoạn 2026-2035, TPHCM cùng cả nước cần tận dụng nguồn nhân lực trẻ trước khi bước vào giai đoạn già hóa kinh tế. Một cơ hội khác, Việt Nam là đất nước hòa bình trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn.
"Cơ hội nữa là Việt Nam có tiềm năng để phát triển các ngành công nghệ cao như phần mềm, chip bán dẫn... Các ngành này sẽ góp phần để TPHCM chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và đi đầu cả nước. Đây mới là những ngành có khả năng tăng năng suất 30-40% mỗi năm chứ không phải các ngành truyền thống", TS Trần Du Lịch nhận định.
Chuyên gia cho rằng, TPHCM đã mất hơn nửa thời gian của nhiệm kỳ vì đại dịch Covid-19; tuy nhiên, địa phương đã bước đầu gỡ những điểm nghẽn cố hữu về thể chế, hạ tầng để khơi thông nguồn lực cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa tham gia được các công đoạn giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, chất lượng nền hành chính chưa bắt kịp yêu cầu và nhiều công trình, dự án còn chậm đưa vào khai thác.
Góp ý về những điều TPHCM cần tập trung trong 5 năm tới, TS Trần Du Lịch cho rằng, công việc bận rộn nhất của địa phương là hình thành 183km đường sắt đô thị trong 10 năm theo đề án. Đây là nhiệm vụ rất lớn mà TPHCM cần vượt qua.
"TPHCM cũng cần hoàn thiện việc sơ kết, tổng kết Nghị quyết 98 để hoàn chỉnh mô hình chính quyền đô thị, kiến nghị một đạo luật đô thị đặc biệt. Điều này tùy thuộc vào kết quả triển khai Nghị quyết 98 của TPHCM để chứng minh phải có cơ chế thì thành phố mới phát triển được", TS Trần Du Lịch bày tỏ.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, TPHCM cần chỉnh trang lại các khu nhà trên và ven kênh rạch, nhà ổ chuột, thông các đường hẻm, giải quyết các vấn đề của khu Mả Lạng (quận 1). Việc phát triển đô thị mới cần thực hiện song song với chỉnh trang các khu đô thị cũ.
"TPHCM cần quay lại thời kỳ 2006-2010, Nhà nước đầu tư 1 đồng thì huy động được 10 đồng từ xã hội. Phải có tư duy khác, cách làm khác thì TPHCM mới đạt được các mục tiêu của năm 2045, nếu tư duy theo lối cũ thì không thể nào phát triển được", TS Trần Du Lịch chia sẻ.