1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vì sao vợ ông Triệu Tài Vinh "không biết con mình được nâng điểm" mà vẫn bị kiểm điểm?

(Dân trí) - Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang (vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh) "không biết con mình được em chồng tác động người khác nâng điểm thi", vậy tại sao bà Hà vẫn bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm?

Ngày 1/10 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã có Thông báo số 307 – TB/UBKTTU về việc xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.

Theo đó, bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh) bị yêu cầu yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm tại Chi bộ và Đảng ủy của sở này vì đã để em chồng (bà Triệu Thị Giang, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư, em gái ruột ông Vinh) tác động người khác nâng điểm thi cho con gái mình.

Vì sao vợ ông Triệu Tài Vinh không biết con mình được nâng điểm mà vẫn bị kiểm điểm? - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết bà Hà bị kiểm điểm vì sau khi phát hiện việc con gái được tác động nâng điểm đã không chủ động báo cáo về lý do con được nâng điểm. (Đồ họa: Ngọc Diệp)

Ngày 3/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Tố Oanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, tại thời điểm bà Triệu Thị Giang nhờ người khác nâng điểm cho cháu mình (thí sinh Triệu N.M., con gái vợ chồng ông Vinh, bà Hà), vợ chồng bà Hà, ông Vinh "không biết việc nhờ vả và cũng không biết ai đã nâng điểm cho con mình".

Khi phóng viên thắc mắc, bà Hà không biết việc con gái mình được tác động nâng điểm thi, vậy tại sao bà này vẫn phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm"? Bà Oanh giải thích: "Khi sự việc vỡ lở ra vợ chồng ông Vinh, bà Hà cũng không biết tại sao con mình được nâng điểm. Cho tới khi khởi tố vụ án hình sự, khi bị can Nguyễn Thanh Hoài khai ra thì vợ chồng ông Vinh, bà Hà mới biết con mình được nâng điểm như thế nào?".

Bà Nguyễn Thị Tố Oanh giải thích thêm: "Khi đã biết con mình được nâng điểm thi, bà Hà không báo cáo tổ chức Đảng nơi mình công tác về lý do con mình tại sao được nâng điểm mà cứ để mặc việc này trôi đi. Chính vì vậy, bà Hà đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chồng, của mình và nơi mình công tác, nên chúng tôi mới yêu cầu bà Hà phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm tại Chi bộ và Đảng ủy của Sở NN&PTNT Hà Giang. Đây chỉ là hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với bà Hà, chứ không phải hình thức kỷ luật của Đảng".

Cũng theo bà Oanh, đối với ông Triệu Tài Vinh do là Ủy viên Trung ương Đảng nên không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang và cũng không thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy Hà Giang. Ông Vinh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hiện tại, ông Vinh đã chuyển về làm Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương nên thẩm quyền thẩm tra, xác minh, xử lý thuộc về Trung ương.

Về việc dư luận cho rằng, thời điểm bà Giang tác động người khác để nâng điểm thi cho cháu mình, vợ chồng ông Vinh, bà Hà "có thể biết", và cho rằng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang chưa làm rõ được bản chất vụ việc, bà Oanh nói: "Vụ án này sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 14, 15, 16/10 tới đây, các bị cáo sẽ khai mọi việc trước phiên tòa, lúc đó mọi chuyện sẽ rõ ràng. Còn về nguyên tắc Đảng, chúng tôi thẩm tra, xác minh đến đâu thì xử lý đến đó". 

Vì sao vợ ông Triệu Tài Vinh không biết con mình được nâng điểm mà vẫn bị kiểm điểm? - 2

Bị cáo Lương (trái) và Hoài tại phiên tòa ngày 18/9.

Trước đó, ngày 22/8, VKSND tỉnh Hà Giang đã hoàn tất cáo trạng bổ sung vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh này, đồng thời truy tố 5 bị can trong vụ án.

Đối với phụ huynh thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, cơ quan chức năng đã xác định có 210 phụ huynh của 107 thí sinh được nâng điểm. Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Giang đã có báo cáo đề xuất gửi Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý những bậc phụ huynh theo quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên; Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Trong vụ án này có một số người liên quan đến vụ án ngoài 5 bị can nêu trên. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục -Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Vũ Trọng Lương (cựu Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) cùng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Hai bị can Phạm Văn Khuông (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Riêng Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Ngày 18/9, TAND tỉnh Hà Giang đã đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm công khai. Tuy nhiên, sau đó phiên tòa phải tạm hoãn vì vắng mặt 122 người làm chứng, liên quan đến vụ án. Dự kiến, đến 8h ngày 14/10 phiên tòa sẽ mở lại.

Nguyễn Dương