1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vì sao Việt Nam vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới?

(Dân trí) - Thông tin Việt Nam nằm trong top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới do tổ chức News Economics Foundation (NEF) công bố đã gây xôn xao cộng đồng người Việt. Theo các chuyên gia nghiên cứu xã hội, đây là chỉ số xếp hạng dễ gây hiểu nhầm.

Vui theo nhiều cách

Dưới đây là một số thông tin do Dân trí đã khảo sát và ghi nhận từ phía bạn đọc sau khi tiếp nhận thông tin Việt Nam vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới:

“Tôi rất vui vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chúng ta. Tôi rất tự hào khi Việt Nam lọt vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới” - anh Thành, kỹ sư Công ty tư vấn xây dựng công trình vui mừng.

Vì sao Việt Nam vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới? - 1

Sự đồng thuận trong gia đình là nền tảng của hạnh phúc (ảnh: Như Quỳnh)
 
Trong quá trình thăm dò, nhiều người dân và sinh viên không ngại ngần nói lên quan điểm của mình về cuộc sống thực tại và những mong muốn trong tương lai.

Chị Nguyễn Thị Hằng (số 8, đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thấy gia đình mình bình yên! Cuộc sống gia đình tôi cũng đã trải qua những sóng gió nhưng chúng tôi biết nhìn nhận và điều hòa nhịp sống. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải luôn có sự đồng thuận với chồng/vợ để xây dựng cuộc sống có nhiều niềm vui!”.

Chia sẻ quan điểm, Phương Liên (SV trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội) cho rằng: “Trong cuộc thăm dò này, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, truyền thống văn hóa dân tộc, mức độ tiêu hao tài nguyên và khả năng tái tạo của hệ sinh thái là những cơ sở xét chuẩn để Việt Nam đứng ở top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới...”.

Huyền Trang (SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hồ hởi: “Em sẽ tuyên truyền, vận động và làm những việc có thể vì cộng đồng, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và chống hiệu ứng nhà kính…”. 
 
Vì sao Việt Nam vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới? - 2
Hạnh phúc được đo bằng nhiều công thức (ảnh: Như Quỳnh)

Hiểu đúng “Chỉ số hành tinh hạnh phúc”

Tuy nhiên, khi tiếp nhận kết quả do NEF bình chọn về Việt Nam, một số chuyên gia lại bày tỏ sự hoài nghi.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn e dè cảnh báo: “Không nên mừng vội hay “tự ru ngủ mình”.  Liệu đằng sau kết quả này có mục đích nào đó?”.

Th.s Khuất Thị Hải Oanh, trưởng phòng Nghiên cứu sức khỏe của Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (ISDS) lại cho rằng, đây là một thông tin đáng mừng. Tuy nhiên cần hiểu rõ bản chất của kết quả này.

Trước hết, cách gọi Happy Planet Index (Chỉ số hành tinh hạnh phúc - HPI) dễ làm cho người ta hiểu nhầm. Chính báo cáo này cũng nói rõ, chỉ số HPI không dùng để xác định mức độ hạnh phúc của các nước. Các nước có chỉ số cao nhất không phải là những quốc gia hạnh phúc nhất. (Thông tin tham khảo tại http://www.happyplanetindex.org/learn/).

Thực ra, chỉ số này đánh giá mức độ tiêu thụ các nguồn lực sinh thái để đạt được một mức độ hạnh phúc nhất định.

Công thức tính HPI dùng Số năm hạnh phúc trung bình (dựa trên mức độ hài lòng với cuộc sống và tuổi thọ trung bình) chia cho một con số tạm dịch là Dấu ấn sinh thái (ecological footprint). Dấu ấn sinh thái được tính bằng “diện tích đất cần để cung cấp tất cả các nguồn lực cần thiết cộng với diện tích đất có cây cối cần để hấp thu hết lượng cacbonic mà con người thải ra cũng như lượng cacbonic liên quan đến các sản phẩm mà con người tiêu thụ (do quá trình sản xuất, vận chuyển, sử dụng…), và được tính bằng đơn vị Hecta Toàn cầu (Global Hectare).

“Việt Nam đạt được chỉ số HPI cao nhờ tuổi thọ trung bình tương đối cao và Dấu ấn sinh thái thấp. Vì vậy, trong 143 quốc gia có số liệu để tính toán, Việt Nam xếp thứ 54 về số năm hạnh phúc trung bình và xếp thứ 35 về Dấu ấn sinh thái. Nhưng khi đem hai số này chia cho nhau thì điểm của Việt Nam lại cao so với nhiều nước khác”- Th.s Hải Oanh khẳng định.

Về việc có tên trong top 10 nước có chỉ số HPI cao nhất, Th.s Hải Oanh lý giải: Top 10 do NEF đưa ra đều là các nước đang phát triển tương đối tốt - thể hiện ở tuổi thọ trung bình khá cao, trong khi mức độ tiêu thụ và thải trừ cacbonic vào môi trường còn ở mức thấp.

Sở dĩ các cường quốc công nghiệp phát triển không có thứ hạng cao do Dấu ấn sinh thái của họ rất lớn - ví dụ như Mỹ là 9,4, Luxemburg là 10,2 (trong khi Việt Nam là 1,3). Đức và Hà Lan là hai nước có Dấu ấn sinh thái thấp nhất trong các nước phát triển (4,2 và 4,4) nên thứ hạng của họ cũng cao hơn các nước phát triển khác.
 
Ngược lại, nhiều nước đang phát triển như Malawi, Haiti, Congo có Dấu ấn sinh thái rất thấp (0,5) nhưng do Số năm hạnh phúc trung bình thấp (tuổi thọ trung bình thấp, mức độ hài lòng thấp) nên cũng xếp ở thứ hạng thấp.

Thanh Trầm - Như Quỳnh