DMagazine

Vì sao Tô Lịch trở thành "dòng sông chết"?

(Dân trí) - Từng mang vai trò quan trọng trong hệ thống giao thương đường thủy của Hà Nội, sông Tô Lịch ngày nay lại chỉ được nhớ đến như một "dòng sông chết", tôm cá không sống nổi và quanh năm bốc mùi hôi thối.

Kể từ năm 1990, sông Tô Lịch trải qua nhiều phương pháp thử nghiệm của các tổ chức quốc tế và trong nước, mang theo kỳ vọng cứu dòng sông này thoát khỏi số phận "sông chết".

Gần đây nhất vào tháng 6, UBND Hà Nội cho biết thành phố giao Sở TNMT phối hợp cùng sở ngành và một số chuyên gia nghiên cứu, triển khai xây dựng đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô, nhất là sông Tô Lịch.

Nhưng cho đến khi kế hoạch trên được thực hiện, hàng trăm công nhân vẫn đang hàng ngày vớt rác bằng cách thủ công, giữa ngập ngụa hôi thối.

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 1

"Có vật thể lạ dưới lòng sông, hình như là người", ông Nguyễn Đức Minh (47 tuổi) hô hoán khi chiếc sào dài chọc phải một vật lạ nằm ở dưới lòng sông Tô Lịch. Khi ấy là mùa đông năm 2017, ông Minh đang là công nhân thuộc Xí nghiệp thoát nước số 7.

Nhớ lại ngày ấy, ông Minh nói ban đầu tưởng là ma-nơ-canh, nhưng khi đến gần, cả đội công nhân khi đó bao gồm cả ông "như mất hết hồn vía" khi nhận ra vật thể mà ông chọc phải là xác người. Sau đó, mọi người trong nhóm báo công an để trục vớt thi thể và xác nhận danh tính.

5 năm sau, mùa hè năm 2023, ông Minh vẫn đang làm công việc vớt rác trên sông Tô Lịch nhưng may mắn rằng chưa phải gặp lại tình huống trên một lần nào nữa. Đó chỉ là một trong nhiều khoảnh khắc đáng sợ trong quá trình ông và các đồng nghiệp làm công việc vớt rác, nạo vét dòng sông này.

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 3

Sống cạnh con sông Tô Lịch từ ngày thơ ấu, ông Minh nhớ ngày hè những năm 1980 thường cùng bạn bè ra sông tắm mát. Nhưng, gần 30 năm nay, con sông ngày một ô nhiễm, không khác nào một con mương lớn chứa nước thải và rác.

Từng được phân công đi tăng cường dọn rác ở nhiều con sông trên địa bàn Thủ đô như sông Sét, Kim Ngưu, ông Minh đánh giá sông Tô Lịch hiện bẩn, nhiều rác và bốc mùi hôi thối nhất.

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 5

Hai tháng gần đây, đồng hành cùng ông Minh trong công việc hàng ngày là Mộng Trường Giang (30 tuổi), một nam thanh niên mới vào nghề. Đứng ở mũi thuyền, ông Minh liên tục lao cây sào dài có gắn đinh sắt để vớt đống túi nilon, vỏ đựng thức ăn cùng nhiều loại rác khác nằm chất đống ở hạ lưu cầu vượt Ngã Tư Sở.

Loay hoay vớt vỏ lon nước ngọt bỏ vào chiếc bao tải để dưới chân, ông Minh cho biết rác khi được vớt lên trên thuyền phải được phân loại rõ. Túi nilon, vỏ đựng thức ăn được để một bên, cành cây và đồ gỗ để một bên. Riêng vỏ chai, lọ, các nhân viên có thể nhặt vào bao để mang đi bán.

Gạt mồ hôi nhễ nhại trên gò má, Trường Giang tiếp tục đẩy chiếc thuyền chầm chậm tiến về phía cầu Lủ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Chiếc sào cắm xuống lòng sông đến đâu, bọt nổi trắng lên đến đó kèm theo mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

"Hạ lưu cầu vượt Ngã Tư Sở là bẩn nhất, rồi đến cầu Lủ, cầu Khương Đình", Giang vừa kéo 2 lớp khẩu trang xuống qua mũi, vừa giải thích.

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 7

Khi chiếc thuyền xuôi về hạ lưu, cách Ngã Tư Sở hơn 1km, Giang cầm đầu sào lao mạnh xuống lòng sông. Lúc này, bong bóng khí từ dưới lòng sông nổi lên chẳng khác nào bình sục oxy. 

Khom lưng đẩy chiếc thuyền lao về phía trước, Giang nói cầu Lủ nhiều bùn nên phải cắm sào xuống sâu mới đẩy đi được.

Lời nhận định của Giang trước đó về mức độ ô nhiễm của khu vực này được chứng minh, khi hiện lên trước mắt nam công nhân những túi nilon, vỏ chai, cốc nhựa, thùng xốp, váng dầu, mỡ… Váng mỡ nhiều và đặc sệt buộc nhóm công nhân phải dùng xô vớt từng lớp đổ vào thùng. Nếu không vớt sạch, váng mỡ có thể quện vào nhau và trở thành một "đống rác".

Khi chiếc thuyền di chuyển qua gầm cầu Lủ 300m, Trường Giang đẩy cây sào nhẹ nhàng, chiếc thuyền chầm chậm tiến về phía trước. Lúc này, nam công nhân đi chậm lại, như đang dò tìm điều gì đó dưới đáy sông.

"Ở khu này có bãi đá chìm, đi không cẩn thận là va trúng đá, thủng thuyền mất", Giang giải thích và cho biết hơn hai tháng trước khi mới vào làm việc, anh không thuộc địa hình nên trong lúc đẩy thuyền đã đâm trúng bãi đá ngầm ngã xuống sông. May mắn mặc áo phao đầy đủ nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 9

Không chỉ bố trí công nhân vớt rác, nạo vét dưới lòng sông, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội còn bố trí nhân lực để dọn rác ở trên bờ, dọc hai bờ kè sông Tô Lịch.

Làm công việc này suốt nhiều năm nay, bà Ngô Thị Liên (55 tuổi) cho biết rác ở trên bờ nhặt không bao giờ xuể. Sáng mới nhặt, chiều vẫn có thể thấy chỗ đó bẩn như cũ. Còn dưới sông, chiều dọn xong sáng hôm sau "đâu lại vào đấy".

Trung bình một ngày, bà Liên và các đồng nghiệp nhặt, vớt khoảng 3 tạ rác. Đặc biệt vào cuối năm và những ngày mưa, lượng rác vớt được có thể lên đến một tấn.

Nhưng những nỗ lực ấy của các công nhân chỉ giúp được một phần nhỏ trong quá trình làm sông Tô Lịch bớt ô nhiễm.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy mỗi ngày, thành phố có khoảng 350.000- 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000 m3 rác thải. Chỉ 10% trong số này được xử lý, còn lại đều đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.

Nhưng đó không phải lý do duy nhất khiến những con sông như Tô Lịch "chết" dần, mà việc này xảy ra còn do yếu tố lịch sử để lại.

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 11

Theo khảo cứu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - một nhà Hà Nội học - sông Tô Lịch từng được biết đến là "long mạch" của kinh thành Thăng Long kể từ thời vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô. Khi xưa, con sông này dài 30km, là đường thủy quan trọng từ phía đông nam vào thành Thăng Long.

Ban đầu, sông Tô bắt nguồn từ Hà Khẩu là điểm tiếp giáp với sông Hồng, tương ứng với phố Hàng Buồm ngày nay. Dòng sông chảy qua Ngõ Gạch, Hàng Lược, men theo chân thành Thăng Long nay là phố Phan Đình Phùng, rồi qua Thụy Khuê, Hồ Khẩu, đến Yên Thái thì gặp sông Thiên Phù.

Ở đây, Tô Lịch lại lấy nước của sông Thiên Phù chảy qua Nghĩa Đô, Cầu Giấy, rồi xuôi xuống đường Láng, Ngã Tư Sở và đi tiếp đến Định Công thì đổ ra sông Nhuệ. Cả đoạn sông này dài 13,5km, chính là đoạn sông thời nay vẫn còn.

Chảy dọc kinh đô như vậy nên thời Lý và Trần, các vua thường đi thuyền rồng dạo chơi trên sông Tô, nhiều đoạn có sự buôn bán tấp nập. Dọc hai bên bờ sông cũng là các ngôi làng trù phú, do phù sa và nước sông Tô mà dân làng Láng nổi tiếng với nghề trồng rau.

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 13

Nửa đầu thế kỷ 18, sông Hồng đổi dòng, cát bồi lấp cửa sông nên Thiên Phù thành sông chết. Vì vậy, sông Tô Lịch mất nguồn cấp nước. Mùa khô, nước sông Hồng cạn không thể cấp cho Tô Lịch và cho cả hồ Tây. Nhưng đến mùa mưa, sông Hồng dâng cao lại qua cửa Hà Khẩu để chảy vào sông Tô.

Đến khi sông Hồng đổi dòng một lần nữa, cát bồi lấp Hà Khẩu, sông Tô trở thành dòng sông "chết" vì gần như không còn nguồn cấp nước, không còn dòng chảy và cũng mất đi khả năng tự làm sạch.

Năm 1889, người Pháp cho lấp khúc sông Tô ở đoạn Hàng Khoai để làm chợ Đồng Xuân, rồi làm cống ra đến trường Chu Văn An (phố Thụy Khuê). Từ đó, con sông bị lấp dần, thu hẹp lại và trở thành kênh thoát nước cho cả khu vực từ phía tây đến đông nam Hà Nội. 

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 15

Trên thực tế, trong suốt quá trình từ năm 1990 đến nay, Hà Nội từng triển khai nhiều giải pháp với kỳ vọng "hồi sinh" sông Tô.

Gần nhất vào năm 2019, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội từng đề xuất phương án lấy nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch bằng dự án "đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây" với công suất trên 150.000m3/ngày đêm.

Theo đề xuất, đơn vị sẽ lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống máy bơm và đường ống áp lực để bổ cập nước cho Hồ Tây, rồi từ đó qua hai cửa xả thải đến sông Tô Lịch nhằm thau rửa, làm sạch nguồn ô nhiễm sông.

Lý giải về phương án này, đơn vị đề xuất cho biết hồ Tây từng là một đoạn của sông Hồng trước kia, hình thành trong quá trình ngưng đọng và thay đổi dòng chảy. Do đó, nước sông Hồng sẽ phù hợp và không gây xáo trộn cho hệ sinh thái của hồ.

Dù vậy, dự án này vấp phải ý kiến trái chiều do không thể thực hiện lâu dài. Vì vậy, phía công ty không thể thực hiện.

Cùng thời điểm trên, Công ty cổ phần môi trường Nhật - Việt JVE tiến hành thử nghiệm công nghệ xử lý nước Nano-Biorector trên một góc hồ Tây và một đoạn sông Tô Lịch. Dự án này sau đó cũng thất bại sau nhiều lùm xùm. Hiện, dấu vết của nó vẫn đang hiện hữu ở khu vực hồ Tây đoạn Nguyễn Đình Thi, thông qua một tấm biển giới thiệu đã cũ nát.

Trải qua nhiều năm, phương án duy nhất Hà Nội đã và đang thực hiện là việc đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì. Dự án này có tổng đầu tư trên 16.300 tỷ đồng, bắt đầu khởi công từ năm 2016 và đến nay (năm 2023) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Với công suất xử lý dự kiến trên 270.000m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải được kỳ vọng có thể giảm "gánh nặng" cho những dòng sông trong nội đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

Nhưng kỳ vọng ấy có được hồi đáp hay không, vẫn còn chờ thời gian trả lời cho đến khi nhà máy đi vào vận hành.

Vì sao Tô Lịch trở thành dòng sông chết? - 17

Thiết kế: Patrick Nguyễn

Ảnh: Nguyễn Hải

Nội dung: Nguyễn Hải, Hà Mỹ