Vì sao Thành cổ Quảng Trị là nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa Việt Nam và Mỹ 50 năm trước?

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm, đó là đàm phán Paris đang diễn ra. Lúc này, mọi thành bại trên chiến trường đều trực tiếp tác động tới vị thế của từng bên.

Cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, đồng thời thể hiện tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhìn lại sự kiện này, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, Thành cổ Quảng Trị lại là nơi đọ sức quyết liệt nhất trong chiến dịch này.

Vì sao Thành cổ Quảng Trị là nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa Việt Nam và Mỹ 50 năm trước? - 1

Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước. (Ảnh tư liệu: Đoàn Công Tĩnh).

Thưa Thiếu tướng Vũ Cương Quyết, sau hơn một tháng chiến đấu thì Chiến dịch Trị Thiên giải phóng Quảng Trị của chúng ta đã giành được thắng lợi. Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Vì sao mà Mỹ - ngụy lại dồn mọi nỗ lực, ra sức để tái chiếm Quảng Trị?

- Như chúng ta đã biết, tỉnh Quảng Trị có vị trí hết sức đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quảng Trị là mảnh đất địa đầu, nơi ngăn chia hai miền Nam - Bắc, chia cắt đất nước ta từ sau Hiệp định Genève. Trong cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972 thì Quảng Trị là tỉnh đầu tiên được giải phóng hoàn toàn. Với thắng lợi này thì chúng ta đã buộc Mỹ - ngụy phải chấp nhận những điều khoản do chúng ta đề xuất trên bàn đàm phán Paris.

Thứ hai, Quảng Trị, trong đó có thành cổ Quảng Trị là mục tiêu tượng trưng mà Mỹ - ngụy ra sức tái chiếm chính là nhằm giành được lợi thế ở Hội nghị Paris. Chúng hy vọng, nếu giành được thắng lợi trong cuộc tái chiếm này sẽ có ý nghĩa tuyên truyền rất lớn, kích động binh lính, lừa bịp dư luận quốc tế về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Mặt khác, Mỹ - ngụy mở cuộc tái chiếm này cũng là nhằm để cứu vớt, lấy lại danh dự sau khi hứng chịu hàng loạt những thất bại trong Chiến dịch Xuân Hè của ta. Bên cạnh đó, năm 1972, cũng là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, vì lẽ đó, Ních- Xơn muốn giành được chiến thắng để có được lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vài tháng sau đó. Đó là những lý do mà Mỹ - ngụy đã tập trung mọi nỗ lực cố gắng và mọi khả năng để tái chiếm Quảng Trị. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, cuộc tái chiếm này đã không thành công.

Vì sao Thành cổ Quảng Trị là nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa Việt Nam và Mỹ 50 năm trước? - 2

Thiếu tướng Vũ Cương Quyết (Ảnh: QĐND).

Phải chăng cũng chính vì vị trí đặc biệt, lại diễn ra trong thời điểm hết sức nhạy cảm và mang tính quyết định như vậy nên Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch trong Chiến dịch này?

- Đúng vậy, Thành cổ Quảng Trị lại là nơi đọ sức quyết liệt nhất trong chiến dịch này. Như trên tôi đã nói về ý đồ của Mỹ khi mở cuộc tiến công tái chiếm Quảng Trị. Trong khi đó, chúng ta thấy, Thành cổ  Quảng Trị là một chốt chặn quan trọng nhất phục vụ cho ý định phản công chiến lược của ta. Việc giữ được thị xã và Thành cổ Quảng Trị sẽ tạo điều kiện để ta chuyển vào phòng ngự được thuận lợi, thực hiện mục tiêu chiến lược đã xác định.

Thứ hai, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm, đó là hội nghị đàm phán Paris đang diễn ra. Lúc này, mọi thành bại trên chiến trường đều trực tiếp tác động tới vị thế của từng bên trong Hội nghị Paris. Vì vậy, địch nỗ lực tái chiếm bằng được còn ta thì quyết tâm cao nhất để giữ cho được vị trí đặc biệt quan trọng này. Vì thế mà Thành cổ Quảng Trị là nơi đọ sức quyết liệt nhất, là đỉnh cao về tính quyết liệt nhất trong chiến dịch này.

Theo ông, vì sao thắng lợi của chúng ta trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay nước Mỹ?

- Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị trong nước và quốc tế nhận định. Tôi cho rằng, thắng lợi của cuộc Tiến công chiến lược Xuân- Hè 1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu phòng ngự 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ như một động lực bùng nổ, tiếp sức cho phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam dâng cao chưa từng có ngay trong lòng nước Mỹ. Nhân dân trên đất Mỹ đã biểu tình, phản kháng đòi Mỹ rút nhanh, rút hết quân Mỹ về nước, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.

Chúng ta giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã chứng minh cho ý chí Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, điều này đã trực tiếp đẩy Mỹ đến thất bại hoàn toàn trên chiến trường, cũng như trên bàn đàm phán của Hội nghị Paris. Vì thế, mà đúng như đồng chí vừa nêu vấn đề: Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ?

Vì sao Thành cổ Quảng Trị là nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa Việt Nam và Mỹ 50 năm trước? - 3
Thành Cổ Quảng Trị đêm cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sỹ năm 2017.

Thưa Thiếu tướng, cuộc chiến đấu không cân sức ở Thành cổ Quảng Trị để lại cho chúng ta bài học gì trong việc giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ trong tình hình hiện nay?

- Vâng, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bàn luận ở các thể loại và góc độ khác nhau. Ở phạm vi kế thừa, phát triển những giá trị lịch sử đó vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải xây dựng được lòng tự hào dân tộc, xây dựng được niềm tin, ý chí kiên cường, đoàn kết, dũng cảm cho mọi thành phần lực lượng, ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lực lượng vũ trang trong mọi điều kiện, môi trường, hoàn cảnh. Vì chúng ta thấy, trong Chiến dịch bảo vệ Thành cổ, Mỹ - ngụy đã sử dụng số lượng bom đạn có sức hủy diệt tương đương với 7 quả bom nguyên tử năm 1945, chúng cũng huy động những lực lượng, vũ khí mạnh nhất trong cuộc tái chiếm này.

Có thể nói, mỗi một mét vuông, tấc đấc trong thành cổ Quảng Trị đều thấm đẫm máu xương của đồng bào, chiến sĩ. Trong gian khó, ác liệt như thế nhưng chúng ta vẫn giữ vững bản lĩnh, niềm tin và ý chí chiến đấu, dù phải hy sinh đến người cuối cùng cũng không rời trận địa. Tôi cho rằng, điều này cần tiếp tục được giáo dục, được truyền thụ, được nhắc đến trong bối cảnh hiện nay và mai sau.

Xin được cảm ơn Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng về cuộc trao đổi này.         

Theo vov.vn