(Dân trí) - Trong chiến dịch Trị Thiên - Huế năm 1975, lực lượng công an đã khám phá, bóc gỡ nhiều vụ gián điệp, biệt kích, diệt và bắt giữ hàng nghìn tên địch, thu hàng trăm tấn vũ khí, thuốc nổ, nhu yếu phẩm…
Trong chiến dịch Trị Thiên - Huế năm 1975, lực lượng công an đã khám phá, bóc gỡ nhiều vụ gián điệp, biệt kích, diệt và bắt giữ hàng nghìn tên địch, thu hàng trăm tấn vũ khí, thuốc nổ, nhu yếu phẩm…
Tháng 2/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã thông qua kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 - 1976 của chiến trường Trị Thiên - Huế với mục tiêu kết hợp tiến công và nổi dậy. Ngày 4/3/1975 chiến dịch Tây Nguyên mở màn, sau đó là tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Đã 47 năm trôi qua, Thiếu tướng Phan Văn Lai - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an - vẫn nhớ rõ từng sự kiện về chiến trường Trị Thiên - Huế năm 1975 mà ông tham gia. Ông nhận định Huế là một trong những thành phố quan trọng nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa, là lá chắn phòng ngự kiên cố nhất của địch ở phía Bắc, nơi đây tập trung lực lượng phòng thủ rất mạnh của địch. Do đó, các lực lượng quân đội, an ninh, chính trị đã lên phương án tác chiến rất rõ ràng, cụ thể.
Theo Thiếu tướng Phan Văn Lai, tháng Giêng năm 1975, Ban An ninh khu của ta đã triệu tập một cuộc họp giữa 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số huyện trọng điểm, để bàn kế hoạch cho chiến dịch Trị Thiên - Huế.
Nắm bắt được chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Công an đã triệu tập khoảng 1.000 cán bộ để huấn luyện và chuẩn bị phương tiện chi viện cho chiến trường Trị Thiên - Huế. Ngoài ra, lực lượng công an còn chuẩn bị các thông cáo, tài liệu để phục vụ ổn định an ninh, chính trị cho các vùng giải phóng.
Có thể nói, chúng ta đã bố trí lực lượng an ninh và có kế hoạch hành động rất chủ động. Trong kế hoạch Khu ủy của ta tổ chức 5 mũi tiến công, gồm: Quảng Trị; Bắc Thừa Thiên Huế; vùng tiếp cận với TP Huế; mảng đồng bằng từ khu hồ Truồi của huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế, giáp với đèo Hải Vân; mảng đường 12 - đây là khu vực quân địch bảo vệ lực lượng của chúng ở phía Tây Nam Thừa Thiên Huế.
"Ngày 20/3/1975, Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 của địch ở Đà Nẵng bay ra Huế trấn an cho đám binh lính và huênh hoang nói "Quyết tử thủ ở Huế, tôi sẽ chết trên đường phố Huế, Việt Cộng có muốn vào Cố đô Huế phải bước qua xác tôi", Thiếu tướng Phan Văn Lai kể.
Lực lượng an ninh bố trí ở Thừa Thiên cùng với lực lượng chính trị của Đảng vượt qua vành đai kiểm soát của địch đã luồn sâu dưới đồng bằng để phát động quần chúng, phối hợp với mũi quân đội để nổi dậy và cướp chính quyền và giải phóng vùng nông thôn.
Chiến dịch tiến công Trị Thiên - Huế (5 - 26/3/1975), giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chiến dịch diễn ra hai đợt: Đợt 1 (5 - 20/3), Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào tuyến phòng thủ của địch ở Quảng Trị. 3h sáng ngày 18/3, ta giải phóng thị xã Quảng Trị, buộc địch co cụm về Thừa Thiên Huế.
Đợt 2 (21 - 26/3), ta phát triển tiến công và giải phóng Thừa Thiên - Huế. Ở hướng Nam, Quân đoàn 2 tiến công làm chủ các điểm cao 294, 520, 560, núi Kim Sắc, đánh sập cầu Thừa Lưu, cắt đứt đường số 1. Hướng Bắc Thừa Thiên Huế, lực lượng vũ trang địa phương tiến công các khu vực Mỹ Chánh, Lương Mai, Vân Trình. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 1 - Quân khu 1 (Quân đội Sài Gòn) rút chạy khỏi Huế theo đường biển về Đà Nẵng. Ta kịp thời phát hiện và triển khai lực lượng chặn đánh, dùng pháo tầm xa khống chế cửa Thuận An, Tư Hiền. Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) phát triển đánh chiếm cảng Tân Mỹ và bờ Nam cửa Thuận An; đồng thời, bộ binh và xe tăng tiến công vào thành phố Huế.
10h30 phút ngày 26/3, thành phố Huế hoàn toàn giải phóng, tạo thuận lợi cho quân và dân các địa phương ở Thừa Thiên nổi dậy giải phóng toàn tỉnh.
Dưới sự chỉ đạo chỉ huy sáng suốt kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, quân dân Trị Thiên - Huế và Quân đoàn 2 đã nắm vững thời cơ chiến lược nhanh chóng tiến công tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn lực lượng của địch, làm thất bại kế hoạch co cụm ở Trị Thiên - Huế và kế hoạch bảo toàn lực lượng rút chạy về Đà Nẵng của chúng. Toàn bộ quân địch ở Trị Thiên - Huế và hệ thống chính quyền địch từ tỉnh, huyện, xã hoàn toàn bị tan rã, thành phố Huế giải phóng.
Trong Điện khen của Quân ủy Trung ương viết: "Việc đánh chiếm và giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước".
Ông Lai cho biết, không chỉ tại chiến dịch Trị Thiên - Huế, hàng chục nghìn cán bộ công an tình nguyện ở miền Bắc đã được chi viện vào miền Nam. Trong số đó, lực lượng công an đã khám phá, bóc gỡ không ít vụ gián điệp, biệt kích, diệt và bắt giữ hàng ngàn tên, thu hàng trăm tấn vũ khí, thuốc nổ, nhu yếu phẩm. Làm tốt vai trò nòng cốt trong trận địa an ninh nhân dân, giữ gìn trật tự trị an để bảo vệ và xây dựng hậu phương lớn miền Bắc Xã hội chủ nghĩa.
"Chúng tôi lùng sục vào các cơ quan của quân địch, thu giữ được nhiều tài liệu quý để phục vụ công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Trong đó, điển hình từ việc khai thác các tài liệu này, chúng tôi đã phát hiện ra giám đốc của một sở tại Thừa Thiên Huế làm tay sai, nội gián cho Cơ quan tình báo của Mỹ (CIA). Sau đó, chúng tôi đã báo cáo Bộ Chính trị và thực hiện bắt giữ tên nội gián này", Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại.
Thiếu tướng Phan Văn Lai chia sẻ thêm, sau tiến công và nổi dậy thành công của chiến dịch Trị Thiên - Huế, có một nhiệm vụ rất quan trọng là ổn định chính trị, giữ gìn an ninh chính trị và bảo vệ chính quyền cách mạng. Với nhiệm vụ này, lực lượng an ninh, lực lượng công an có vai trò rất quan trọng. Bộ Công an đã chuẩn bị một đoàn hơn 300 cán bộ ở ngoài Bắc vào chi viện, do ông Lê Đình Thảo (lúc đó làm Giám đốc Công an Hà Nội) làm trưởng đoàn.
"Giữ vững an ninh chính trị ở vùng mới giải phóng rất quan trọng. Bởi, sau khi giải phóng vẫn có một số tên "ngóc đầu dậy" chống phá. Ngoài ra, một số tên còn lẩn trốn chưa ra mặt, không ra đầu thú, sau đó chúng đã lập một số tổ chức chống đối. Mình có quần chúng nhân dân, nhưng lực lượng công an làm nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh chính trị nội bộ vùng giải phóng, bảo vệ chính quyền cách mạng sau khi chúng ta giành được", Thiếu tướng Phan Văn Lai nhấn mạnh và cho biết thêm, chính là nhờ sự chỉ đạo của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (SN 1916, là Thứ trưởng Thứ Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công an, giai đoạn 1953 - 1980) vận dụng đường lối đấu tranh, chính sách phản cách mạng cho phù hợp. Bộ Công an chỉ đạo xây dựng một lực lượng trinh sát vũ trang để tấn công vào địch.
Chiến dịch Trị Thiên - Huế giành thắng lợi đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Theo Thiếu tướng Phan Văn Lai, thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế có 3 ý nghĩa rất lớn, đó là:
Chiến thắng, giải phóng Trị Thiên - Huế nói lên sức mạnh của tiến công và nổi dậy, hai mặt này kết hợp với nhau rất chặt chẽ. Trong khi quân đội tiêu diệt tất cả các căn cứ của địch và lực lượng quân sự chủ lực của địch, đã tạo điều kiện cho lực lượng nổi dậy của ta (trong đó, có lực lượng vũ trang; bộ đội địa phương, lực lượng chính trị, lúc đó bên Đảng gọi là các tổ chính trị của từng địa bàn và trong lực lượng chính trị này có lực lượng an ninh) "luồn sâu" xuống đồng bằng, bám trụ ở đồng bằng từ sớm. Lực lượng này luôn ở tư thế sẵn sàng, khi có lệnh tấn công toàn diện thì nổi dậy và đã tiêu diệt nhiều đơn vị đóng quân, hàng trăm trụ sở của bọn ngụy quyền. Lực lượng nổi dậy còn vận động, phát động quần chúng nổi dậy, từ đó đã chiếm lĩnh, làm chủ được hơn 30 xã của 2 khu vực Phong Điền, Quảng Điền và Phú Lộc, Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế.
"Nếu chỉ nói tiến công thì chưa đầy đủ. Bởi nếu không có tiến công thì làm sao nổi dậy được, nhưng mà chỉ có tiến thôi thì chưa chắc đã giành được thắng lợi hoàn toàn một cách vững chắc. Hai mũi này có ý nghĩa rất quan trọng. Nổi lên của chiến dịch này là sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy. Đó là bài học của chiến tranh nhân dân, góp phần giải phóng Trị Thiên - Huế một cách nhanh chóng, vẻ vang", Thiếu tướng Phan Văn Lai nhấn mạnh.
Ngoài ra, thắng lợi của chiến dịch không chỉ có ý nghĩa giải phóng khu vực Trị Thiên - Huế, mà nó làm thay đổi chiến trường, tiêu hao sinh lực địch rất lớn và làm suy yếu thế phòng ngự rất quan trọng của địch ở phía Bắc. Chiến dịch thắng lợi đã góp phần giải phóng các tỉnh miền Trung và tiến tới thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
"Một ý nghĩa nữa của chiến dịch, đó là niềm động viên cổ vũ rất lớn lao đối với nhân dân. Trong Lá thư của Quân ủy Trung ương khen ngợi thắng lợi của chiến dịch, có một ý tức là làm nức lòng nhân dân cả nước khi nghe tin giải phóng Trị Thiên - Huế, là niềm phấn khởi động viên rất quan trọng, tạo khí thế cho cả nước", Thiếu tướng Phan Văn Lai nói thêm.
Trong 12 năm chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế (từ 1964 đến 1976), Thiếu tướng Phan Văn Lai từng là Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Ban An ninh tỉnh Thừa Thiên; Phó bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên Huế.
Sau 30/4/1975, ông trở về miền Bắc, công tác tại Bộ Công an. Rồi ông được phong hàm Thiếu tướng và giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (nay là Tổng cục Chính trị Công an nhân dân Việt Nam) kiêm Trưởng ban Thanh tra Bộ Công an.
Năm 1990, ông giữ chức vụ Chánh thanh tra Bộ Công an cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 2014, ông là Trưởng Ban liên lạc cán bộ Bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hội đồng hương huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) tại Hà Nội, kiêm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học huyện Trực Ninh. Ông đã vinh dự được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương giải phóng hạng Ba cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Đặc biệt, ngày 27/1/2016, Thiếu tướng Phan Văn Lai được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng trong ngày này, mẹ của ông, cụ Lê Thị Mỵ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Nội dung: Nguyễn Dương
Ảnh: Mạnh Quân
Thiết kế: Khương Hiền