1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Bình:

Vì sao phải tháo dỡ phim trường “Kong” trong di sản Tràng An?

(Dân trí) - Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, tránh bị hiểu lầm về các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, UNESCO khuyến nghị Ninh Bình tháo dỡ phim trường “Kong”.

Như Dân trí đã đưa tin, Công ty TNHH ĐT TM DV Tràng An (Ninh Bình) đã phát đi thông báo về việc “Tháo dỡ phim trường “Kong” tại Khu du lịch (KDL) sinh thái Tràng An.

Vì sao phải tháo dỡ phim trường “Kong” trong di sản Tràng An? - 1

Từ 20/9/2019, phim trường "Kong" trong di sản Tràng An sẽ đóng cửa và tháo dỡ.

Theo đó, từ ngày 20/9/2019, đơn vị sẽ thực hiện việc tháo dỡ phim trường. Như vậy, tuyến tham quan số 2 và số 3 của KDL sinh thái Tràng An (tham quan Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An) sẽ không còn điểm tham quan phim trường “Kong” như trước kia. 

Về lý do phải tháo dỡ phim trường “Kong” sau hơn 2 năm được phục dựng lại và phục vụ miễn phí cho du khách khi đến tham quan di sản Tràng An, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình.

Vì sao phải tháo dỡ phim trường “Kong” trong di sản Tràng An? - 2

Làng thổ dân được phục dựng nguyên bản theo phim Kong: Skull Island, mở cửa miễn phí phục vụ du khách nhiều năm qua.

Ông Mạnh cho biết, vào tháng 6/2018, tại kỳ họp lần thứ 42 ở Bahrain, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cùng cán bộ Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã dự họp và được UNESCO đưa ra những khuyến nghị về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thế giới Tràng An. Trong đó có yêu cầu về việc diễn giải di sản cho phù hợp với giá trị. 

Theo đó, UNESCO khuyến nghị phải tháo dỡ phim trường “Kong” với lý do: Bộ phim đã thực hiện xong và được công chiếu sau thời gian dài. Việc dựng lại phim trường và sử dụng người dân đóng thổ dân ở phim trường để thu hút du khách, quảng bá cho di sản là không phù hợp.

Vì sao phải tháo dỡ phim trường “Kong” trong di sản Tràng An? - 3

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts thăm phim trường "Kong" sau khi bộ phim được công chiếu năm 2017.

“UNESCO khuyến nghị phải tháo bỏ phim trường đi, để phù hợp với những giá trị của di sản, tránh sự hiểu lầm của khách du lịch đối với những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản”, ông Mạnh nói. 

Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết thêm, sau khi có khuyến nghị của UNESCO, Sở Du lịch đã làm việc với doanh nghiệp quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An và trao đổi những nội dung đó. Doanh nghiệp cũng hiểu được, phim trường chỉ là sự tạm thời, phải tháo dỡ để đảm bảo cho sự phát triển của di sản thế giới. Họ đã có cam kết về việc tháo dỡ phim trường trước thời điểm theo yêu cầu.

Vì sao phải tháo dỡ phim trường “Kong” trong di sản Tràng An? - 4
Vì sao phải tháo dỡ phim trường “Kong” trong di sản Tràng An? - 5

Toàn bộ các túp lều được phục dựng lại như trong phim "Kong" sẽ bị tháo bỏ để trả lại vẻ nguyên trạng trong vùng lõi di sản.

“Trong tháng 9 này, doanh nghiệp đã triển khai các công tác tháo dỡ. Đã có thông báo về việc tháo dỡ, dừng đưa khách đến phim trường… Hoạt động tháo dỡ này sẽ hoàn thành trong vài ngày tới”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay. 

Liên quan đến việc xây dựng phim trường có ảnh hưởng gì đến vùng lõi di sản không? Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ: “Về mặt xây dựng phim trường “Kong” không ảnh hưởng gì đến di sản. Việc phục dựng lại các túp lều, vật dụng sinh hoạt của thổ dân trong phim trường chủ yếu làm bằng vật liệu tre nứa, nhỏ, phù hợp và hài hòa với cảnh quan và môi trường”.

Vì sao phải tháo dỡ phim trường “Kong” trong di sản Tràng An? - 6

Hình ảnh về các thổ dân, các túp lều không phải văn hóa và người bản địa, sẽ gây hiểu lầm về giá trị của di sản Tràng An nên bị tháo bỏ.

“Tuy nhiên, hình ảnh về những chiếc lều, những thổ dân lại không phù hợp với những giá trị di sản. Những thổ dân, những chiếc lều đó không phải gốc văn hóa bản địa, người dân tộc bản địa. Bởi vậy nếu tồn tại lâu dài sẽ gây cho du khách sự hiểu lầm rằng chính những thổ dân đó, ngôi lều đó là giá trị của Tràng An. Bản chất không phải như vậy nên phải tháo dỡ đi”, ông Mạnh nói. 

Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết thêm, về lâu dài ngành du lịch Ninh Bình sẽ phối hợp với doanh nghiệp có kế hoạch mời chuyên gia nước ngoài về để có ý tưởng để phát triển loại hình du lịch phù hợp trên “đảo Kong” (phim trường sau khi bị tháo dỡ).

Vì sao phải tháo dỡ phim trường “Kong” trong di sản Tràng An? - 7

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm cùng những người dân đóng thổ dân tại phim trường "Kong".

“Sẽ đưa các hình ảnh, mô hình của người Việt cổ từ thời xa xưa. Tái hiện lại không gian sống của người Việt ở khu vực đó. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải có nghiên cứu, quy hoạch, mô phỏng khoa học và chi tiết thì mới đưa vào triển khai được”, ông Mạnh chia sẻ. 

Phim trường “Kong” trong phim Kong - Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu) có làng thổ dân được phục dựng nguyên mẫu theo bộ phim, nằm trong KDL Tràng An thuộc Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), mở cửa cho du khách đến tham quan miễn phí vào tháng 4/2017. 

Thái Bá