1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Vì sao những kẻ đào trộm mộ cổ chúa bà chỉ lấy 4 tấm ván gỗ thiên?

Đêm 19/11, nhiều người dân thôn Thị Trung xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên phát hiện một vụ đào trộm mộ hy hữu chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Các đối tượng ngang nhiên đi ô tô, đưa cả máy xúc đến để đào mộ cổ mà người dân vẫn gọi là mộ chúa bà. Điều đáng nói là, sau khi đào trộm mộ, các đối tượng chỉ lấy đi 4 tấm gỗ ván thiên…
 
Bí ẩn quanh ngôi mộ cổ

 

Bí ẩn quanh ngôi mộ cổ

 

Theo lời các vị cao niên trong làng, từ khi họ sinh ra đã thấy ngôi mộ, không ai rõ đó là mộ của ai và nguồn gốc như thế nào, chỉ biết các cụ trước bảo đó là mộ “Chúa bà”. Vì thế, trong làng chỉ ngày lễ, Tết mới có hương khói và làm lễ. Vị trí ngôi mộ bị đào trộm là “đống Năng” nằm giữa “đống Đâu” và “đống Chuyền”. Phía trước là “mạch rồng”, phía sau chính là cổng làng và khu dân cư bà con làng Thị Trung. Theo câu chuyện truyền miệng từ bao đời nay ở Thị Trung về sự tích ngôi mộ “Chúa bà” là do xưa kia, có một cô tiên gánh đất đi ngang qua nơi đây, không may đứt gánh giữa đường. Đất hai gánh rơi xuống tạo thành “đống Đâu” và “đống Chuyền”, còn nàng tiên không đi được nữa và chết đi hóa thành mai rùa, từ đó người dân gọi đây là mộ “Chúa bà”. Ngôi mộ tồn tại như nhiều đời nay, bỗng dưng một nhóm người đã dùng máy xúc phá tan ngôi mộ cổ “chúa bà” được cho là đã hàng trăm năm tuổi này.

 

Cuộc đào mộ trong đêm và hiện vật còn sót lại

 

Theo biên bản của Ban Công an xã Đình Dù, đêm 19-11, nhiều người dân thôn Thị Trung xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên phát hiện một nhóm 5-7 người đứng ở ven đường bê tông sát nghĩa địa đầu làng. Sau đó, nhóm người đi trên chiếc ô tô 7 chỗ màu trắng cầm cuốc, xẻng tiến thẳng tới vị trí ngôi mộ “Chúa bà” để phá mộ, nhưng do không thể cậy, phá được nên họ đã đưa cả chiếc máy xúc cỡ lớn đến xới tung ngôi mộ lên.

 

Ngôi mộ được đào nắp ván thiên gồm có hai lớp. Lớp ngoài được sơn son thếp vàng vẫn còn thấy rõ, lớp ván dày khoảng 8-10cm, dài khoảng 2,5m, rộng và cao khoảng 50cm. Lớp trong nguyên màu gỗ mỏng hơn khoảng 2-3cm được đóng đinh sắt nhưng đã gỉ. Khi tách được bốn tấm gỗ rời ra, những tên đào trộm mộ ngay lập tức chuyển lên chiếc xe ô tô tải đang chờ sẵn ở bên đường. Trong áo quan còn nguyên cốt, các đối tượng nhặt hài cốt trong mộ cho vào một chiếc tiểu sành và chôn cất qua loa ngay tại vị trí ngôi mộ. Sau đó chúng lấp đất trở lại thắp vài nén hương rồi thản nhiên rời hiện trường.

 

Theo quan sát của phóng viên, hiện trường là một nghĩa địa giữa cánh đồng trước cổng làng thuộc địa phận thôn Thị Trung. Ngôi mộ bị đào trộm nằm ngay sát đường bê tông liên thôn. Xung quanh là hàng trăm ngôi mộ khác được chôn cất từ nhiều đời nay. Vị trí ngôi mộ bị đào trộm có nhiều vết răng của gầu máy xúc đào xới. Các tảng đất bị máy xúc cào lên thành từng mảng lớn và chồng chất lên trên vị trí của ngôi mộ. Xung quanh ngôi mộ bị đào xới, người dân phát hiện một số mẩu gỗ nhỏ còn sót lại của áo quan bị những tên trộm chặt, đẽo bỏ lại. Người dân cầm lên thì phát hiện mẩu gỗ có mùi rất thơm. Cách đó khoảng 5m, người dân phát hiện một khoảng đen, nghi là chè khô cùng một mớ dây tơ màu đen cuộn chặt  từng lọn hòa lẫn với đất bùn. Khi đem xuống mương rửa thì thấy rất giống với tóc người.

 

Có phải là mộ hợp chất của những người quyền quý

 

Theo lời kể của các nhân chứng cùng nhiều tư liệu thu thập được, có thể nhận thấy ngôi mộ cổ này khá giống với hình thức mộ hợp chất đã từng phát hiện nhiều nơi ở nước ta (mà mộ bà Chúa Chén có niên đại 400 năm ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là một ví dụ điển hình). Đặc biệt, người dân còn cho biết, cách đây gần 40 năm (1979), kẻ gian đã đục một lỗ phía dưới chân bên trái ngôi mộ để trộm đồ. Người làng phát hiện rất nhiều bông trắng, bã chè và vải. Từ đó tới nay, qua nhiều năm mưa nắng khiến ngôi mộ ngày càng lộ rõ. Lớp đất dần bị xói mòn trơ ra toàn bộ ngôi mộ hình mai rùa khổng lồ mà bất cứ ai cũng có thể bị thu hút. Thế nhưng, trong lần bị quật mở này, mộ không bốc mùi mà nhiều người khẳng định, mùi hương vẫn còn lưu lại trong ngôi mộ. Điều đó khiến người ta nghĩ đến người nằm trong ngôi cổ mộ chắc hẳn là người giàu có, nên hình thức mai táng cũng đặc biệt. Có thể gỗ áo quan được ướp bằng tinh dầu hoặc đây là loại quý, thường được tìm thấy trong các ngôi mộ hợp chất của các bậc quyền quý xưa kia. Phần “mai rùa” chính là tấm hợp chất được đặt lên phía trên để bảo vệ giấc ngủ nghìn thu của của chủ nhân ngôi mộ. Như vậy, nhiều khả năng ngôi mộ thuộc về một người quyền quý.

 

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần, bà Lê Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Dù (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Chúng tôi cũng từng được nghe kể lại rằng đây là một ngôi mộ cổ, tuy nhiên cổ như thế nào và giá trị như thế nào thì chúng tôi không biết. Hơn nữa, ngôi mộ chẳng mấy khi có người đến thắp hương. Với lại cũng chẳng có vết tích, bằng chứng nào để có thể từ đó mà làm căn cứ trình lên cấp trên nhờ người ta về khảo sát, điều tra”. Một số người dân thôn Thị Trung còn cho biết: “Dù ai cũng biết câu chuyện về mộ “Bà chúa” nhưng mộ bà lại ít khi được hương khói. Thậm chí, miếu Cậu Đó (thờ người canh giữ ngôi mộ “Chúa bà”) luôn được hương khói đầy đủ. Chỉ đến có vụ việc đào trộm mộ, người ta mới bắt đầu bán tán về ngôi mộ và cho rằng những kẻ đào mộ đã lấy đi nhiều hũ vàng, hũ bạc được chôn theo mộ.

 

Được thuê đào mộ tổ?

 

Ngay khi vụ việc xảy ra, Ban CAX Đình Dù đã báo cáo lên CAH Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và triệu tập một số đối tượng lên để điều tra. Theo thông tin từ Đội Cảnh sát Điều tra trật tự xã hội, Công an huyện Văn Lâm cho biết, hiện CAH Văn Lâm đã tạm giam 8 đối tượng để điều tra vụ đào trộm ngôi mộ cổ này. Qua lời khai ban đầu của các đối tượng, chúng được một người tên Tuân ở Lạng Sơn thuê để để “đào mộ tổ”. Bởi thế, các đối tượng được “thuê đào trộm” ngôi mộ cổ này ngang nhiên dừng xe giữa đường. Thậm chí, người điều khiển máy xúc còn là một người làng Thị Trung. Sau khi đào mộ lên thì phát hiện hài cốt, liền đi mua tiểu sành bỏ tất cả xương vào đó rồi lấp đất chôn lại.

 

Về thông tin, nhóm đào trộm mộ lấy đi nhiều hũ vàng, hũ bạc, CQĐT cho biết, các đối tượng chỉ khai nhận lấy đi 4 tấm ván áo quan nhưng cũng chưa biết vì mục đích gì. Về đối tượng đứng ra thuê, hiện các cơ quan chứng năng đang tiến hành điều tra, xác minh. Xung quanh vụ việc và những lời khai của 8 kẻ trộm mộ vẫn còn nhiều điểm chưa sáng tỏ và mẫu thuẫn. Lời khai của các đối tượng đào mộ còn nhiều điều mờ ám.

 

Không thể có chuyện đào mộ tổ nhà mình mà không tiến hành làm lễ, cúng bái. Khi phát hiện di cốt tiền nhân, các đối tượng bỏ lại và chôn cất sơ sài. Khi đào mộ, các đối tượng chỉ  mang theo 4 tấm ván gỗ của nắp ván thiên. Hơn nữa, ngay sau khi vụ việc xảy ra, có hai người trong thôn Thị Trung là Đỗ Xuân Khương và Lê Xuân Chiến nộp một lá đơn xin xã Đình Dù xác nhận với nội dung “đào nhầm mộ tổ” nhưng bị từ chối. Hành động trên càng khiến người dân nơi đây bất bình và đặt ra những nghi vấn. Phải chăng những kẻ trộm mộ đã có tính toán kế hoạch đào mộ từ trước. Việc đào mộ không phát hiện tài sản là ngoài ý đồ của họ.

 

Về việc xử lý các đối tượng đào trộm mộ, một cán bộ Công an huyện Văn Lâm cho biết, hiện cơ quan công an cũng đang lúng túng và chưa có phương án xử lý các đối tượng đào trộm mộ: “Ngay khi vụ việc xảy ra, với những thông tin người dân cung cấp, chúng tôi đã nhanh chóng xác định được nhóm đối tượng đào trộm mộ. Tuy nhiên, do ngôi mộ là vô chủ, chưa được công nhận di tích nên nếu có xử lý thì cũng chỉ xử lý được với tội danh ít nghiêm trọng. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra để làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng, từ đó mới có phương án xử lý”.

 

Nhà Khảo cổ học, PGS.TS Nguyễn Lân Cường: Chúng tôi lại đến sau bọn trộm mộ

 

Tôi có nghe thông tin về việc bọn trộm mộ dùng máy xúc phá tan ngôi mộ cổ ở Văn Lâm, Hưng Yên. Tôi chưa được tận mắt chứng kiến, xem xét ngôi mộ nhưng trước những thông tin được nêu trên báo, nhiều dấu hiệu cho thấy có thể đây là một ngôi mộ hợp chất. Đặc điểm của những ngôi mộ này thường có cấu tạo trong quan, ngoài quách. Quách được xây dựng bằng một hợp chất gồm vôi sống, cát và một số chất kết dính. Những ngôi mộ này đa phần có niên đại thời hậu Lê, cá biệt ở miền Nam từng tìm thấy những ngôi mộ thời Nguyễn. Hầu hết chủ nhân những ngôi mộ này đều thuộc tầng lớp quý tộc xưa kia. Để có thể xác định chính xác niên đại và vết tích về chủ nhân ngôi mộ thì còn cần nhiều điều tra của những nhà khảo cổ. Về thông tin đồn đoán đây là mộ bà Đặng Thị Huệ (vợ chúa Trịnh Sâm), tôi cho rằng không phải bởi sử sách cũng ghi lại rõ ràng, bà Đặng Thị Huệ được táng cách Vọng Lăng (Lăng Trịnh Sâm) 1 dặm. Điều đáng trách ở đây là tại sao ngôi mộ cổ đã tồn tại bao nhiêu năm, nhất là Hưng Yên và cũng vùng lân cận cũng từng phát hiện nhiều mộ hợp chất, mộ ướp xác mà cán bộ bảo tàng ở đây lại bỏ sót. Các nhà khảo cổ học đã từng khai quật hơn 50 ngôi mộ có xác ướp phần lớn là mộ hợp chất nhưng đều là khai quật chữa cháy sau khi bọn trộm mộ hoặc chính những người dân đã phá nát những nơi này. Vụ việc vừa xảy ra ở Hưng Yên này lại một lần nữa là sự chậm chân của các nhà khoa học. Đáng buồn hơn nữa, ngôi mộ đã bị phá nát. Các nhà khảo cổ học có vào cuộc cũng đã là quá muộn.

 

Luật sư Hoàng Văn Dũng (Công ty luật Hợp Danh Bros và cộng sự)

 

“Điều 246, tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Trong trường hợp này, do ngôi mộ vô thừa nhận, nên việc xử phạt các đối tượng sẽ gặp một số khó khăn. Hơn nữa, cho tới nay vẫn chưa hề có bằng chứng khoa học nào chứng minh giá trị văn hóa của ngôi mộ. Bởi vậy, để xử lý các đối tượng này, cần phải làm rõ động cơ, mục đích của việc đào mộ.

 

Theo Hà Loan - Đỗ Nguyễn
 
An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm