1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vì sao người phụ nữ góa chồng, nuôi 5 con viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo?

(Dân trí) - Chồng mất, các con còn nhỏ nên mọi việc trong nhà do một tay bà Chưng gánh vác. Bà phải lao động quần quật để lo miếng ăn. Mấy mẹ con bà Chưng sống qua ngày nhờ vào 1 sào sắn và 1.000 cây bời lời...

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo.

Thông qua các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, chương trình 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi… người dân 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư vào sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống.

Vì sao người phụ nữ góa chồng, nuôi 5 con viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo? - 1

Từ ngày chồng mất, một mình bà Chưng phải lao động quần quật để nuôi các con. 

Những câu chuyện người dân miền núi tự nguyện xin rút khỏi hộ nghèo dẫu không lạ, nhưng đã cho thấy sự thay đổi về nhận thức, ý chí tự vươn lên, rũ bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Còn sức khỏe, sẽ lao động để vươn lên

Xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa có 90% là đồng bào Vân Kiều, với tỷ lệ hộ nghèo rất cao, chiếm hơn 47%. Vừa qua, ở xã có 3 hộ gia đình tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đáng chú ý, đây đều là những phụ nữ đơn thân, một mình lo toan cuộc sống gia đình.

Bà Hồ Thị Chưng (48 tuổi), trú tại bản A Xóc – Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, góa chồng sớm, một mình bà phải vất vả nuôi 5 người con khôn lớn.

Vì sao người phụ nữ góa chồng, nuôi 5 con viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo? - 2

Bà Chưng quyết tâm xin ra khỏi diện hộ nghèo vì nhận thấy còn nhiều hộ khó khăn hơn.

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng không chấp nhận nghèo mãi, tại cuộc họp phụ nữ để tuyên truyền về công tác giảm nghèo diễn ra gần đây ở xã Hướng Lập, bà Chưng cùng chị Hồ Thị Lý (trú tại bản A Xóc – Cha Lỳ) khiến người dân trong bản ngỡ ngàng, khi giơ tay xin thoát khỏi hộ nghèo. Để thể hiện quyết tâm, sau buổi họp, bà Chưng, chị Lý tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Chồng mất, các con còn nhỏ nên mọi việc trong nhà do một tay bà Chưng lo toan, gánh vác. Bà phải lao động quần quật để lo miếng ăn cho các con. Mấy mẹ con bà Chưng sống qua ngày nhờ vào 1 sào sắn và 1.000 cây bời lời trồng trên rẫy…

Cuộc sống khó khăn nên gia đình bà Chưng được địa phương tạo điều kiện đưa vào diện hộ nghèo để được hưởng các chính sách.

Với suy nghĩ con cái giờ đã lớn, vẫn còn sức khỏe nên bản thân không muốn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Khi viết đơn xin thoát nghèo, bà cũng mong để con cháu noi gương, vươn lên phát triển kinh tế.

Nói về lý do rút khỏi hộ nghèo, bà Chưng chia sẻ: “Hiện vẫn còn khó khăn, nhưng mấy năm nay gia đình đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước rồi. Ở bản vẫn còn nhiều người khó khăn, nên xin ra khỏi hộ nghèo để nhường cho người khác”.

Điều kiện kinh tế cũng không khá hơn bà Chưng, nhưng chị Hồ Thị Lý cũng viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Chị Lý cũng sống đơn thân, một mình nuôi con và bám rẫy trồng sắn, trồng lúa.

Vì sao người phụ nữ góa chồng, nuôi 5 con viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo? - 3

Chị Hồ Thị Lý cũng tự nguyện xin rút khỏi hộ nghèo.

Chị Lý nói rằng, chị chưa hết khó khăn, nhưng còn trẻ, còn sức khỏe nên nếu bám mãi hộ nghèo sẽ là gánh nặng cho địa phương.

“Mình là đảng viên, phải gương mẫu để bà con làm theo”

Gia đình anh Hồ Văn Lam và vợ Hồ Thị Khai (thôn A Rồng (dưới), xã A Ngo, huyện Đakrông) là một trong những hộ dân tiên phong tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Vợ chồng anh Lam có 4 người con, hiện còn 1 cháu đang học lớp 7.

Vì sao người phụ nữ góa chồng, nuôi 5 con viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo? - 4

Vừa qua, hộ anh Lam là một trong những người tiên phong xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.

Trước đây, khi nhận được sự hỗ trợ vốn từ các chương trình giảm nghèo, vợ chồng anh Lam đã mạnh dạn mua cây, con giống, đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài làm nương rẫy, gia đình anh còn nuôi thêm bò và dê, trồng rừng.

Anh Lam chia sẻ, những năm qua gia đình nhận được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Nhờ chăm sóc, trồng rừng nên mỗi đợt gia đình tui cũng thu được hơn 40 triệu đồng.

“Hiện nay kinh tế gia đình cũng khá hơn, các con đã khôn lớn có thể lao động được, mình còn sức khỏe nên ra khỏi hộ nghèo để dành diện ấy cho những hộ khó khăn hơn”, anh Lam nói.

Chị Khai (vợ anh Lam) bày tỏ quyết tâm, thời gian tới gia đình sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, cố gắng trồng lúa, sắn, ngô kết hợp chăn nuôi, trồng rừng để nâng cao nguồn thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Vì sao người phụ nữ góa chồng, nuôi 5 con viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo? - 5

Chị Khai quyết tâm sẽ tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống.

Với vai trò là trưởng thôn, anh Lam cũng tích cực giúp bà con trong bản thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuyên truyền người dân lao động sản xuất, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

“Mình là đảng viên phải gương mẫu, làm trước để bà con học theo. Khi kinh tế gia đình mình khá lên mới tuyên truyền, hướng dẫn được cho bà con. Từ đó, để cùng giúp nhau thoát khỏi sự khó khăn”, anh Lam bày tỏ.

Bà Lê Thị Huỳnh – Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết, địa phương có hơn 700 hộ, trên 3.000 nhân khẩu, cùng khoảng hơn 340 hộ nằm trong diện nghèo. Nhiều năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo thông qua các chương trình 30a, 135, cùng các dự án hỗ trợ cây, con giống đã giúp bà con nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, xét về tổng thể dù đầu tư nhiều nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, bởi người dân chủ yếu vẫn làm nương, rẫy, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dịch vụ chưa phát triển. Thu nhập bình quân của người dân vẫn còn thấp, khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/người/tháng.

Với nỗ lực xóa đói giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ người dân thay đổi tập quán sản xuất, tìm hướng đi mới, nâng cao hiệu quả để phát triển kinh tế, giảm dần tỉ lệ hộ nghèo.

Trong đợt điều tra cuối năm 2019, xã A Ngo cũng ghi nhận nhiều hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chính quyền địa phương cũng ghi nhận và sẽ tập trung công tác tuyên truyền, vận động để giúp bà con có thêm động lực tự vươn lên, bỏ dần tư tưởng trông chờ, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Nhà nước và đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Đăng Đức