1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao hết thời Covid-19, khách bay nội địa vẫn sụt giảm?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Đà sụt giảm của lượng hành khách nội địa trong năm 2023 và 2024 cho thấy xu hướng thắt chặt chi tiêu và lựa chọn các loại hình vận tải khác của người dân.

Cuối năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra 2 số liệu đáng chú ý: sản lượng khách bay nội địa năm 2023 thấp hơn năm 2022, và sản lượng dự kiến của năm 2024 sẽ còn thấp hơn nữa.

Nhìn trên biểu đồ thống kê, có thể thấy 2022 là năm kỷ lục về lượng khách bay nội địa tại Việt Nam, dù dịch Covid-19 đến giữa năm 2022 mới được kiểm soát hoàn toàn. Dòng khách tăng đột biến một phần do xu hướng "du lịch trả thù" của người dân sau 2 năm bị kìm kẹp vì dịch bệnh.

Vì sao hết thời Covid-19, khách bay nội địa vẫn sụt giảm? - 1

(Đồ họa: Ngọc Tân)

Tuy nhiên, trào lưu du lịch bù sau đại dịch sớm đến hồi kết khi người dân đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, phải lựa chọn "thắt lưng buộc bụng".

Thay vì những lời phàn nàn về việc sân bay đông đúc, quá tải như nhiều năm trước, lời phàn nàn phổ biến của năm 2023 là việc giá vé máy bay tăng quá cao, khiến nhiều người gác lại những chuyến du lịch hoặc lựa chọn phương tiện khác.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vé máy bay trong 11 tháng năm 2023 đã tăng 87,29% so với năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia hàng không Võ Huy Cường, nguyên Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đánh giá số liệu thống kê của Cục Hàng không đã bám sát tình hình thực tiễn một cách toàn diện. Ông cũng nêu ra 3 lý do dẫn tới sự sụt giảm sản lượng bay nội địa.

Vì sao hết thời Covid-19, khách bay nội địa vẫn sụt giảm? - 2

Năm 2023, sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài không còn quá đông đúc vào những dịp cao điểm (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).

Lý do đầu tiên, cũng là lý do khách quan và tích cực, là sự cải tiến, thuận tiện hơn của các loại hình vận tải khác.

Nhờ hoàn thành hàng loạt dự án đường cao tốc, việc di chuyển bằng ô tô trong khoảng cách 500km trở lại không còn là trở ngại. Vì vậy, bản đồ du lịch có sự thay đổi theo hướng gia tăng du lịch gia đình ngắn hạn, cuối tuần, tự thu xếp thay vì đi xa bằng đường hàng không;

Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng đã cải thiện chất lượng dịch vụ và hút thêm một lượng khách nhất định ở những chặng di chuyển dài.

Lý do thứ 2 là năng lực vận chuyển của các hãng hàng không bị thu hẹp vì khó khăn tài chính. Trong khi đó, cơ hội vận chuyển quốc tế có tiềm năng tăng nên tỷ lệ cung ứng vận tải của các hãng có xu hướng ưu tiên cho các đường bay quốc tế.

Dẫn chứng cụ thể là sản lượng hành khách quốc tế năm 2023 đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022. Không chỉ đón dòng khách quốc tế, năm 2023 cũng có 5 triệu lượt khách từ Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Dự báo năm 2024, sản lượng khách quốc tế vẫn tiếp nối đà phục hồi với ước đạt 41,8 triệu khách, tăng 30,6% so với năm 2023.

Ông Cường nhận định các hãng phải chịu chi phí đầu vào tăng cao, trong khi chính sách áp dụng giá trần vé máy bay nội địa không có tính linh hoạt nên không mặn mà với việc tăng cường bay nội địa.

Lý do thứ 3 là xu thế suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực đã bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam. Người dân thắt chặt chi tiêu nên tất yếu dẫn tới sự cân nhắc khi lựa chọn phương tiện đi lại đắt đỏ như đường hàng không.

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch lao động trong và sau đại dịch Covid-19 góp phần khiến người lao động cùng thân nhân ít lựa chọn di chuyển xa.

Chuyên gia nhận định nếu sản lượng khách nội địa năm 2024 cao hơn dự báo của Cục Hàng không thì đó là điều đáng mừng cho Việt Nam. Nhưng kịch bản đó sẽ không đạt được.