1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao dân biển ở đảo ngọc Phú Quốc khó... tiếp cận biển?

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những bất cập khiến người dân đảo ngọc Phú Quốc, Kiên Giang bức xúc thời gian qua liên quan đến việc người dân biển nhưng khó... tiếp cận biển.

Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017 của Thanh tra Chính phủ đã phần nào lý giải việc người dân đảo ngọc Phú Quốc bức xúc khi “quyền tiếp cận biển” của họ bị ảnh hưởng rất nhiều thời gian qua.

Theo kết luận thanh tra, Khoản 1, Điều 23 Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo quy định “hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển”.

Quyết định số 1197/2005 của Chính phủ về định hướng phát triển các khu du lịch chính cũng quy định “trục không gian có bề rộng từ 50-100m, mỗi trục cách nhau 500-800m, để tạo cảnh quan và giữ vai trò là quảng trường trung tâm cho du lịch công cộng tiếp cận với không gian biển”.

Quyết định số 1197 cũng nhấn mạnh “đối với các công trình xây dựng tại các khu du lịch phải cách mép bờ biển tối thiếu là 50m”.

Như vậy, một trong những chức năng quan trọng của hành lang bảo vệ bờ biển là duy trì cảnh quan tự nhiên vùng bờ, đảm bảo tiếp cận của người dân với biển.

Vì sao dân biển ở đảo ngọc Phú Quốc khó... tiếp cận biển? - 1

Bãi Trường là khu phức hợp du lịch lớn nhất đảo Phú Quốc nằm ngay thị trấn Dương Đông với đường bờ biển trải dài từ Cảng Dinh Cậu trở xuống phía Nam đảo Phú Quốc (Ảnh: CTV).

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Văn bản số 1898/2016 không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại 20 bãi biển (toàn bộ các bãi tắm biển) trên đảo Phú Quốc là chưa phù hợp với các quy định trên.

Mặc dù UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhưng trên thực tế UBND tỉnh đã chỉ đạo thiết lập hành lang biển. Cụ thể vào tháng 5/2015, tỉnh này có Thông báo số 262/TB-VP về ý kiến kết luận của Thường trực UBND tỉnh về tuyến đường ven biển. Theo đó, dọc Bãi Trường ngoài hành lang 50m, bố trí đường đi bộ 6m và khoảng lùi 20m (tổng cộng 76m). Riêng đoạn phía Nam, giữa tuyến đất đỏ hiện hữu để quy hoạch thành đường đi bộ 6m, đồng thời lùi thêm 20m.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, về cơ bản hành lang biển tại Bãi Trường được xác định khoảng 66m (trong đó có đường đi bộ 6m). Việc thiết lập hành lang biển 66m cũng chưa phù hợp với quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg - theo đó tại Bản đồ quy hoạch ban hành kèm theo Quyết định 633 thể hiện tại Bãi Trường bố trí vành đai cây xanh cảnh quan rộng trung bình 73m và đường ven biển rộng 10m.

Mặt khác, quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 633, bản đồ kèm theo thể hiện có 4 trục không gian cây xanh cảnh quan với kích thước từ 200-350m. Tuy nhiên trên thực tế, UBND tỉnh Kiên Giang bố trí thành nhiều trục không gian nhỏ rải rác gắn liền với các quảng trường biển (12 trụ không gian gắn liền với quảng trường biển; trong đó có 3 trục đã được các nhà đầu tư hoàn chỉnh, gồm: CEO, Công ty TNHH Đức Việt).

Kết luận thanh tra nhấn mạnh, việc thiết lập hành lang biển là yêu cầu thiết yếu nhất đối với bãi biển quan trọng như khu vực Bãi Trường. Vấn đề này đã được các quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có đề cập. Đặc biệt, từ khi Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo được công bố năm 2015, hành lang biển được quy định tối thiểu la 100m. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều dự án đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, một số dự án đã triển khai nhưng quy hoạch chung lại chưa được UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp.

“Chính sự bất cập giữa quy hoạch chung, thực tế triển khai và quy định mới của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo đã dẫn đến sự bức xúc của người dân”- kết luận nêu rõ.

Vì sao dân biển ở đảo ngọc Phú Quốc khó... tiếp cận biển? - 2

Phối cảnh tổng thể Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort tại Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc.

Xác định lại thời điểm bàn giao đất

Cũng tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết Cục Thuế tỉnh Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Quốc - chủ đầu tư Dự án Sonasea Villas and Resort (quy mô 132 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng, tại Khu phức họp Bãi Trường) và Công ty cổ phần Hải Phòng Phú Quốc tại Dự án Khu du lịch, dịch vụ Bắc Bãi Trường với tổng số tiền trên 48,2 tỷ đồng thuộc trường hợp có quyết định giao đất và thời điểm bàn giao đất thực tế sát với thời điểm Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 44/2014 có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo giải trình của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang và Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc thì các trường hợp này được giao đất trên thực địa lần đầu đối với toàn bộ diện tích đất được giao vào thời điểm trước ngày 1/7/2014; các lần bàn giao sau là do có sự điều chỉnh về diện tích và thời gian sử dụng đất.

Do thời gian có hạn, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc, Ban Bồi thường huyện Phú Quốc xác định lại thời điểm bàn giao đất thực địa cho chính xác, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trên cơ sở quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo, tình hình thực tế tại địa phương để kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng chi tiết, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan và bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Kiên Giang rà soát lại việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các trường hợp Nhà nước giao đất theo Luật Đất đai năm 2003, nhưng được bàn giao đất thực tế và kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sau ngày 30/6/2014 đã được Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất để thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền sử dụng đất được giảm sai.

Thế Kha