Vì sao có lũ quét, sạt lở ở miền núi?
(Dân trí) - Theo Tổng cục phòng, chống thiên tai, nguyên nhân xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đều có chung một đặc điểm là xuất hiện sau những cơn mưa lớn. Ở đồi núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm nên vào mùa mưa luôn ở trong trạng thái bão hòa nước; trong khi đó, rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn không có khả năng giữ được nước...
Ngoài những nguyên nhân nói trên, người dân vùng cao với tập quán sinh sống dựa vào sông suối, chặt phá rừng làm nương rẫy, các ngôi nhà cũng được dựng lên sát sông suối hoặc ngay trên sườn đồi, dưới chân các quả đồi, vách núi. Do vậy, khi cân bằng tự nhiên bị phá vỡ, thiên tai ập đến, hậu quả thường rất lớn.
Cũng liên quan đến nội dung trên, tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Thảm họa thiên tai - lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng, ngừa ứng phó" diễn ra tại Hà Nội vào ngày 3/10, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai chia sẻ thêm: Lũ quét (Flash flood) là lũ diễn ra nhanh, bất ngờ, có sức tàn phá lớn trên đường đi (khe suối, lòng dẫn, sườn núi mang theo bùn, đá, cây đổ…
"Nguyên nhân gây lũ quét: đất/đá/cây… bị sạt lở xuống dòng suối làm cho mực nước và vận tốc lũ tăng nhanh hoặc chắn ngang dòng chảy tạo thành các đập tự nhiên và bị bục ra gây lên. Sạt lở đất thường xảy ra trên bề mặt dốc không ổn định khi lớp đất trở lên bão hòa hoặc khả năng thấm kém, xảy ra sạt lở sau khi có mưa lớn" - ông Hoài nói.
Nguyễn Dương