Vì sao chất kịch độc vẫn được bày bán nhan nhản?

(Dân trí) - Việc mua bán hóa chất công nghiệp một cách dễ dàng khiến cho nhiều chuyên gia hóa học phải giật mình bởi những hiểm họa khôn lường từ sự buông lỏng quản lý.


Như Dân trí đã phản ánh trong phóng sự trước, thị trường axit công nghiệp và nhiều loại hóa chất khác đang bị "thả nổi". Điều này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt thảm án liên quan đến sản phẩm hóa chất công nghiệp khiến nhiều người phải rùng mình.

PGS.TSKH Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm khoa Hoá học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội rất bức xúc về công tác quản lý hóa chất nói chung và hóa chất công nghiệp nói riêng hiện nay. “Có những hóa chất phục vụ cho công tác nghiên cứu thì lại cấm đoán còn những chất có độ nguy hiểm cực cao thì lại thả nổi. Ngày trước tôi học ở Nga, người ta chỉ mất 3kg xyanua đã phải báo động cấp toàn quốc còn về Việt Nam thì việc mua chất siêu độc này không khó khăn gì” – PGS Lưu Văn Bôi cho biết.

Cũng theo PGS Bôi, đã gọi là axit thì dù nồng độ có như thế nào cũng gây nguy hiểm cho con người. Ngay cả đối với axit nồng độ loãng được sử dụng cho việc đỗ vào ác quy nếu dính vào mắt thì hậu quả cũng đã khôn lường rồi.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Hồng Côn – chuyên gia về lĩnh vực hóa phân tích (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia HN) phân tích thêm: “Sở dĩ đang thả nổi hóa chất trên thị trường là do ngành công nghiệp hóa học của chúng ta chưa có gì. Chính vì thế, sự nhận thức về mức độ nguy hiểm vẫn bị xem nhẹ. Bên cạnh đó chính sách về quản lý chưa được đặt ra một cách bài bản để giải quyết bức xúc của xã hội”

Lý giải về việc mua bán hóa đang bị thả nổi hiện nay, ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường Sở Công thương TP Hà Nội cho rằng: “Để quản lý việc mua bán hóa chất trên thị trường hiện nay thì cần phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành. UBND các quận, huyện cũng phải có biện pháp quản lý vấn đề này. Hiện nay Sở đã có văn bản yêu cầu UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra đối với sản xuất và kinh doanh hóa chất. Đối với lĩnh vực sử dụng hóa chất thì các văn bản chưa đề cập đến nhiều”.

Cũng theo ông Dũng, để quản lý được việc mua bán thì đòi hỏi cần có lực lượng đủ đông và am hiểu về lĩnh vực hóa chất. Tuy nhiện, hiện nay do lực lượng quá mỏng và thiếu người có kiến thức chuyên môn nên rất là khó khăn. Mặc dù giao cho UBND các quận, huyện tăng cường giám sát, quản lý nhưng danh mục hóa chất thì quá nhiều nên để thực hiện cũng không phải dễ dàng.

“Bản thân như chúng tôi là các kỹ sư về hóa chất nhưng chỉ am hiểu ở lĩnh vực mình nghiên cứu. Trong khi đó, hóa chất rất phong phú nên cũng phải học hỏi lẫn nhau”, ông Dũng bộc bạch.

“Hiện nay chỉ có khoảng 60 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh hóa chất trên khoảng 300 – 400 đơn vị đang kinh doanh về lĩnh vực này. Về góc độ này cũng có một sự lỏng lẽo và đơn vị nào có ý thức và tuân thủ pháp luật thì họ mới làm thủ tục kinh doanh hóa chất. Còn phần lớn là họ cứ mua ở chỗ này bán ở chỗ kia ở phạm vi trong nước với nhau, gần như là không có gì ràng buộc cả”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong khi các đơn vị quản lý trực tiếp đang còn lúng túng trong công tác triển khai thực thi Nghị định và Thông tư hướng dẫn thì những hiểm nguy rình rập từ việc thiếu kiểm soát trong mua bán hóa chất đang diễn hàng ngày. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhận thấy sự bất cấp trong quản lý hiện nay, Cục hóa chất – Bộ Công thương đang tiến hành khảo sát ý kiến của cấp cơ sở để hình thành các “rào cản” kỹ thuật để chấn chỉnh.

Trọng Trinh - Nguyễn Hùng