Vì sao chấp thuận cho Formosa xả thải ngầm ra biển?
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Bùi Cách Tuyến - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - đã giải thích cặn kẽ xung quanh việc điều chỉnh, chấp thuận cho Formosa xả thải ra vịnh Sơn Dương thay vì sông Quyền. Đáng chú ý, thời gian xem xét, quyết định việc này chỉ diễn ra trong thời gian khoảng 1 tháng (?!).
Ông Bùi Cách Tuyến cho biết: “Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chứ không có thẩm quyển cấp phép đầu tư, phê duyệt thiết kế hay cấp phép xây dựng cho dự án này. Những ai am hiểu về môi trường đều biết rằng việc xả thải bằng đường ống sát đáy biển là phổ biến trên thế giới, các quốc gia phát triển đều có dữ liệu về cơ sở xả thải ngầm trên toàn quốc và người ta thường xuyên có hội thảo, hội nghị để đánh giá và quản lý hiệu quả việc xả thải ngầm.
Luật pháp Việt Nam không cấm tiêu thoát nước thải ra biển bằng đường ống ngầm, quan trọng là nước thải trước khi tiêu thoát vào đường ống ngầm đó phải được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Đó là điều quan trọng số 1.
Trong top 10 nhà máy thép lớn nhất thế giới thì phần lớn nằm sát bờ biển và xả thải ra biển, nhưng họ không gây tai họa bởi nước thải được xử lý và kiểm soát. Vấn đề ở đây Formosa không có đạo đức môi trường, muốn kiếm lời trên việc xử lý nên đã làm việc xả thải gây chết cá như thế.
Hơn nữa, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, Formosa có gửi rất nhiều văn bản báo cáo lên Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng các cơ quan này đã không có động thái gì, không đến giám sát; đã vào thanh tra rồi nhưng cũng không phát hiện lỗi, mấy tháng sau tìm ra 53 lỗi...".
- Nhưng chỉ trong vòng 1 tháng mà ông đã ký quyết định cho phép Formosa điều chỉnh vị trí xả thải từ sông Quyền ra vịnh Sơn Dương thì có quá gấp gáp không?
- Nói thế là không hoàn toàn chính xác. Nước thải của Formosa theo phương án đưa ra trong Báo cáo ĐTM được phê duyệt năm 2008 là được xả vào kênh thoát nước tại vị trí nắn dòng của sông Quyền rồi thoát ra biển, có nghĩa là thải ra biển thông qua một kênh nắn dòng sông Quyền, không còn sông Quyền tự nhiên nữa.
Có lẽ ở thời điểm đó Hà Tĩnh đang lập quy hoạch thoát nước cho khu vực nên chưa có phương án cụ thể. Về sau, Hà Tĩnh không thực hiện quy hoạch thoát nước mà lại quy hoạch đập dâng trên dòng sông Quyền về phía thượng lưu khoảng 4 km để giữ nước ngọt (hiện nay đã xây xong), phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng vì khu vực này thiếu nước ngọt trầm trọng. Như vậy dẫn tới lưu lượng dòng chảy sông Quyền ở hạ lưu giảm đáng kể. Khi đó khả năng chịu tải của sông Quyền hầu như không còn.
Bên cạnh đó, khu vực tiếp cận sông Quyền tồn tại nhiều hoạt động lấy nước để nuôi trồng thủy sản nên việc xả thải ra sông Quyền sẽ ảnh hưởng lớn tới các hoạt động này. Và vì lưu lượng nước sông Quyền không đáp ứng được nguồn nước thải của Formosa xả ra nên Formosa đã đề xuất phương án xả thải ra biển trong Báo cáo ĐTM Cảng năm 2013 (do thay đổi quy mô công suất Cảng nên theo quy định Formosa phải lập lại Báo cáo ĐTM).
Việc thẩm định, phê duyệt Báo cáo ĐTM Cảng năm 2013 đã được thực hiện bài bản, thông qua một Hội đồng thẩm định, được nhiều chuyên gia nhà quản lý đồng thuận, không hề có ý kiến thắc mắc gì về phương án xả ra biển và trong nhiều tháng.
- Tức là việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép họ xả thải ngầm ra biển là đúng?
- Đúng như vậy, cả về 3 mặt: pháp lý, khoa học và thực tiễn.
- Nhưng việc Formosa xây dựng đường ống ngầm bên ngoài nhà máy đang được cho là vi phạm Luật Xây dựng, chưa xin ý kiến các bộ ngành liên quan. Khi đồng ý như vậy, các ông có kiểm tra, lưu ý tới điều này?
- Cái này liên quan đến phân công trách nhiệm. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét về khía cạnh tác động môi trường của việc xả nước thải có đúng quy hoạch không, áp dụng quy chuẩn cho phù hợp với vịnh Sơn Dương được quy hoạch là khu vực cảng; còn xây dựng thế nào thì có quyền hạn gì đâu. Theo tôi được biết Bộ Công Thương có phê duyệt thiết kế đường ống này.
- Khi cho phép Formosa xả thải ngầm ra biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường có đánh giá, kiểm tra việc này trước khi quyết định không? Khi chấp thuận cho Formosa xả thải ra biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường có đánh giá lại công nghệ xử lý xả thải ra biển đã đảm bảo các quy định lúc đó hay chưa?
- Năm 2014, Formosa có văn bản đề nghị điều chỉnh 2 nội dung: Thứ nhất là điều chỉnh bố trí ống khói trong Khu liên hợp; thứ hai là điều chỉnh nguồn tiếp nhận nước thải (thực chất là chi tiết hoá phương án xả ra vịnh Sơn Dương xa bờ khoảng 1,3km). Cấp dưới tham mưu và bản thân tôi cũng thấy hợp lý vì nước thải thoát ra xa bờ sẽ khuếch tán nhanh và tốt hơn, sẽ giảm tác động đến môi trường, nhất là đối với môi trường nước biển ven bờ.
Trong văn bản Formosa chỉ đề nghị điều chỉnh 2 nội dung đó, chứ có đề cập gì về thay đổi công nghệ xử lý, quy mô công suất… của hệ thống xử lý nước thải đâu. Formosa phải thực hiện các yêu cầu về xử lý nước thải như đã được phê duyệt trước đó.
- Theo ông nói thì bất cập trong quản lý, giám sát đã dẫn tới việc Formosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng như vậy?
- Bạn biết rồi, Formosa là "ông vua" gây ô nhiễm trên thế giới, thông tin trên báo chí khá đầy đủ rồi. Khi doanh nghiệp đầu tư thì luôn tìm mọi cách để giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường bằng mọi cách và luôn tìm cách đối phó với giới quản lý. Trên toàn thế giới, các doanh nghiệp tìm cách xả lén rất nhiều. Những anh đạo đức môi trường kém như Formosa là hạng nặng. Tuy nhiên việc xả thải vừa qua ngoài lỗi tại Formosa thì còn có lỗi ở lỗ hổng quản lý.
Như báo chí đã phản ánh gần đây, quyết định của Chính phủ về chức năng quản lý của Tổng cục Môi trường có ghi rõ là có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm của nhà máy Formosa. Suốt 3 tháng trong quý I/2016, Formosa gửi rất nhiều văn bản lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường báo cáo về vận hành thử nghiệm của họ kèm những bản phân tích về những độc chất liên quan, thế nhưng các cấp hữu quan đã không có phản ứng gì, không hề đến giám sát.
Trong kết luận thanh tra hồi tháng 1/2016 cũng cho rằng không có gì đáng quan ngại, nhưng đến tháng 4 khi cá chết hàng loạt thì đoàn vào kiểm tra đã ra tới 53 lỗi. Vậy có vấn đề gì ở cái khúc này? Vấn đề chính ở lỗ hổng quản lý, như Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có lần công bố với báo chí.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)