Vi phạm liên quan cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Kiến nghị Đồng Nai xử lý
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ tịch tỉnh Đồng Nai tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân; nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực phía Nam, trong đó chỉ ra nhiều vi phạm trong cấp phép khai thác vật liệu san lấp cung cấp cho Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo thanh tra, để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nguyên vật liệu san lấp chỉ dành riêng cho thi công dự án cao tốc, UBND tỉnh Đồng Nai đã cho phép thực hiện 4 phương án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp với tổng diện tích 280.048m2 thuộc quyền sử dụng của cá nhân (nhà thầu tự thỏa thuận để được thu hồi đất san lấp). Tổng khối lượng đất thu hồi trên 2 triệu m3 nguyên khối.
Trong đó, phương án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp tại xã Suối Cát và xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) của Liên danh Vinaconex-Trung Chính được chấp thuận với diện tích trên 142.536m2.
Phương án hạ cốt nền, cải tạo đất tại thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) của Công ty cổ phần 66 Gia Khang được chấp thuận với diện tích gần 48.900m2.
Cũng tại thị trấn Long Giao, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thời Việt được chấp thuận cho đăng ký thu hồi vật liệu san lấp, diện tích gần 47.000m2, Công ty Xây lắp dịch vụ thương mại Sài Gòn diện tích 41.700m2.
4 khu vực được cấp phép thu hồi vật liệu xây dựng để san lấp cho dự án đã hết hạn khai thác vào cuối tháng 12/2022. Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị hỗ trợ cho gia hạn nhưng đến thời điểm thanh tra chưa được chấp thuận.
Sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/3/2023 UBND tỉnh Đồng Nai mới có văn bản chấp thuận chủ trương gia hạn khai thác theo các phương án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp đã xác định.
Đến thời điểm thanh tra, Liên danh Vinaconex-Trung Chính, Công ty cổ phần 66 Gia Khang chưa thực hiện việc nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thời Việt và Công ty Xây lắp dịch vụ thương mại Sài Gòn chưa thực hiện nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và chưa thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, qua xem xét hồ sơ cấp phép của 6 mỏ đá có cung cấp cho dự án (các mỏ đã được cấp phép trước đây, nhà thầu tự hợp đồng mua đá với đơn vị khai thác), Thanh tra Chính phủ nhận thấy UBND tỉnh Đồng Nai ban hành 2 quyết định gia hạn giấy phép khai thác đá, một quyết định điều chỉnh diện tích và tăng thời hạn khai thác đá, không đúng Luật Khoáng sản.
Cụ thể, Đồng Nai gia hạn giấy phép khai thác tại mỏ đá Soklu 1 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho Công ty TNHH Quốc Phú Sơn Lâm với thời hạn 10 năm tính từ 1/11/2017 trong khi công ty này chỉ được phép khai thác đến 18/12/2017.
Đồng Nai điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ đá Soklu 2 (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) từ Công ty TNHH MTV Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa qua Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa, tăng thời hạn khai thác từ 6,2 năm lên hơn 12 năm kể từ ngày 23/3/2011, trong khi giấy phép cấp trước đó đã hết thời hạn khai thác.
Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa được khai thác tại mỏ đá xây dựng Soklu 5 (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) với thời hạn tới 31/12/2016. Tuy nhiên, năm 2014 và năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã ban hành giấy phép khai thác mới thay thế quyết định trước đó, tăng diện tích khu vực hoạt động khoáng sản từ 23ha lên 30,5ha và tăng thời hạn khai thác lên 11 năm 6 tháng (đến 30/6/2026).
"Cả 3 trường hợp nêu trên đều không được UBND tỉnh xác định khai thác để cung cấp cho công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các công trình theo quy định tại Điều 22 Nghị định 158/2016 của Chính phủ", Thanh tra Chính phủ kết luận.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm do việc áp dụng quy định pháp luật của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chưa chính xác. Việc cấp phép đó đã dẫn đến một khối lượng đá được khai thác và cung ứng ra ngoài thị trường.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức, cá nhân liên quan.
Cơ quan này kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.
"Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền", cơ quan thanh tra đề nghị.
Đồng thời, Đồng Nai phải rà soát, thu hồi đối với các giấy phép được cấp và gia hạn, tăng thời hạn không đúng quy định. Thực hiện thu nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với các tổ chức được phép thu hồi vật liệu san lấp cung cấp cho dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây theo phương án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp đã được phê duyệt.
Kiến nghị Bộ trưởng GTVT làm rõ trách nhiệm
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, khởi công tháng 9/2020 và thông xe dịp 30/4 vừa qua, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 12.500 tỷ đồng.
Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đi TP Phan Thiết (Bình Thuận) từ 5-6 giờ xuống còn 2 giờ.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm trễ và thiếu sót trong xác định nguồn vật liệu san lấp cho dự án. Trường hợp phát hiện vi phạm đến mức phải xử lý trách nhiệm thì xem xét có hình thức phù hợp.
Bộ trưởng GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án 7 và Ban quản lý dự án Thăng Long rà soát để xem xét việc điều chỉnh đơn giá của vật liệu san lấp đã xác định trong dự toán của dự án cao tốc này.