1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hơn 100 giáo viên tố cáo tiêu cực:

“Vi hành” để thấy nỗi thống khổ của thầy cô

(Dân trí) - Ngay sau khi <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/6/122912.vip"> “Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam vào cuộc”</a>, để làm rõ những nội dung tố cáo, ngày 11/6, GS. Lưu Văn Đạt - Chủ nhiệm hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật, UBTƯ MTTQ đã có buổi đến thăm gia đình một số giáo viên nhằm tìm hiểu rõ sự việc.

Đây là một tín hiệu mới cho thấy, vụ tiêu cực ở trường ĐHNN đã được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.

Cả gia đình có 10m2 sinh hoạt

Trong quá trình thực hiện loạt bài điều tra “100 giáo viên của ĐHNN tố cáo tiêu cực”, chúng tôi đã đến nhà của các giáo viên để thu thập tài liệu, mỗi lần đến là một lần chạnh lòng vì điều kiện sống của họ. Trong lần này, ngay cả giáo sư Đạt đã không khỏi ngạc nhiên và bất bình.

Tại nhà thạc sĩ Tôn Thị Thu Nguyệt, gia đình gồm 3 người đang sinh hoạt trong một “hộp diêm” rộng chưa đầy 14m2 được bố trí vừa là phòng ngủ, phòng khách, bếp ăn, nơi tắm giặt, vệ sinh. Nhìn gia cảnh, GS. Đạt thán phục: “Cô phải là người cực kỳ biết thu vén mới tạo ra được sự ngăn nắp, gọn gàng như thế”.

Thạc sĩ Nguyệt tâm sự: “Túng thì phải tính chứ chúng cháu không còn cách nào khác, mặc dù có nhiều điều bất tiện”. Để tạo điều kiện sinh hoạt, học hành cho con gái hiện là sinh viên đại học, gia đình thạc sĩ Nguyệt phải cải tạo diện tích chỗ vốn là ban công để vừa đủ chỗ đặt một chiếc gường, vừa là phòng riêng. Mỗi tối, gia đình lại nhắc nhau đi nhẹ nói khẽ, tivi không dám mở để cho con gái học bài.

GS. Đạt hỏi: “Có bao nhiêu trường hợp khó khăn như cô?”, “Còn nhiều người, cháu chưa phải là khó khăn nhất” - Thạc sĩ Nguyệt cho biết.

Một trong những trường hợp “khó khăn nhất” đó là cô Nguyễn Hòa Bình, giảng viên khoa Anh hiện đang sống nhờ bố mẹ chồng ở phố Huế. Gia đình cô Bình vốn đông anh em, chưa ai đủ điều kiện để mua nhà riêng nên cả đại gia đình đang sống chen chúc trong căn nhà đã xuống cấp.

Tất cả 4 anh em trai nhà chồng cô Bình được bố mẹ chia căn phòng rộng 40m2, trong đó lại ngăn ra làm 4. Tính ra, cả gia đình cô Nguyễn Hòa Bình sinh hoạt trong diện tích có 10m2.  “Mang tiếng là giảng viên đại học gần hết đời người vẫn sống nhờ bố mẹ, đó là một nỗi niềm trăn trở của vợ chồng chúng tôi” - cô Bình tâm sự.

Đến gia đình thầy Đặng Quốc Tuấn, nguyên giảng viên khoa Anh nay đã nghỉ hưu, hoàn cảnh cũng tương tự. Thầy Tuấn hiện đã trên 70 tuổi, là người có thâm niên giảng dạy của ĐHNN, nhiều thế hệ học trò của thầy hiện đang công tác tại trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội, trong đó có nhiều người là lãnh đạo của trường.

Căn nhà gia đình thầy Tuấn đang sống là của bố mẹ, và vẫn là nơi sinh hoạt của cả đại gia đình. Riêng gia đình thầy Tuấn có 8 người hiện ở trong căn phòng rộng chừng 12m2. Được biết, các con của thầy Tuấn đã lập gia đình và hiện đang thuê nhà để ở.

Từ mục đích cuộc đến thăm của GS. Đạt, thầy Tuấn bộc bạch: “Có một điều mà chúng tôi cảm thấy khó nói, đấy là giáo viên, giảng viên đại học mà đi kêu ca, kiện tụng đó là một điều không hay. Chúng tôi cũng không muốn kể lể hoàn cảnh của mình để mong được thương cảm. Chúng tôi đã kiến nghị nhà trường mong muốn sự việc được giải quyết hợp lý và công bằng nhưng nhà trường đã không giải quyết, không nhìn thẳng vào sự thật. Do đó, bắt buộc chúng tôi phải lên tiếng. Ở đây chúng tôi đòi quyền lợi chính đáng của mình, đòi hỏi sự công bằng chứ không xin xỏ ai cả”.

Không nên đổ lỗi - Hãy hành động

Trong buổi đến thăm các cán bộ, giáo viên ĐHNN và một số buổi làm giữa Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp Luật - UBTƯ MTTQ và trường ĐHQG Hà Nội, GS. Đạt cho biết sẽ tìm hiểu xung quanh sự việc để xác định trách nhiệm thuộc về ai, từ đó đưa ra biện pháp giải quyết.

Hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh đạo trường ĐHNN đã cố tình lẩn tránh trách nhiệm của mình bằng nhiều cách khác nhau. Trong một số lần làm việc với chúng tôi, lãnh đạo trường ĐHNN cho rằng vấn đề giải quyết bố trí sắp xếp nhà ở cho cán bộ giáo viên có những “yếu tố lịch sử”, đó còn là trách nhiệm của Ban giám hiệu ĐHNN thời kỳ trước đây, tức là giai đoạn 1993-1997. Tuy nhiên, chúng tôi được biết, nhiều vị lãnh đạo trường ĐHNN hiện nay cũng là lãnh đạo nhà trường trong thời kỳ trước. Do đó, nếu đổ lỗi như vậy là không hợp lý.

Cũng trong nhiều lần làm việc với những người khiếu kiện, kể cả đối với báo chí về vấn đề này, lãnh đạo ĐHNN và ĐHQG Hà Nội cho rằng việc nhà trường không đủ thẩm quyền. Tuy nhiên theo một số giáo viên, lý do này không thoả đáng. Trong thực tế, nhà trường đã nhiều lần thay đổi bố trí các công trình mà không xin ý kiến cơ quan nào.

Chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần tập trung vào những điểm này để giải quyết dứt điểm sự việc. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm đối với đồng nghiệp, thuộc cấp.

Nhóm PV