1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vé tàu Tết: Khách “vật vã” chờ đợi, “cò” nhộn nhịp bán mua

(Dân trí) - Trong khi bên trong ga Sài Gòn, hành khách đang phải “đánh vật” với mạng bán vé tàu để đặt chỗ, mòn mỏi chờ đợi đến lượt lấy vé, thì bên ngoài nhà ga, “cò” nhộn nhịp mời hành khách mua vé “ngày nào cũng có” với “phụ phí” 250 ngàn đồng/vé.

Khách “vật vã” chờ đợi!

Dù trong ngày 11/12, mạng bán vé tàu đã thông thoáng hơn, có hơn 30 ngàn vé tàu đã được đặt chỗ thành công; nhưng thực tế hệ thống mạng vẫn rớt liên tục, gây phiền phức không ít cho hành khách.

Lỗi hay gặp nhất là khi hành khách đã tiến hành xong một số bước ban đầu thì hệ thống treo và thoát ra ngoài; hoặc do khách thao tác chậm nên hết thời gian đặt vé (5 phút), hệ thống tự đẩy tài khoản ra. Hầu hết hành khách đều phải thực hiện nhiều lần mới có thể đặt vé thành công, thời gian trung bình để đặt thành công 1 phiếu đặt chỗ là từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ.

Hành khách xếp hàng chờ đợi để đặt chỗ trên mạng vé tàu
Hành khách xếp hàng chờ đợi để đặt chỗ trên mạng vé tàu

Theo ghi nhận của PV Dân trí trong ngày 11/12 tại ga Sài Gòn, hàng trăm hành khách vẫn phải "ôm" khư khư máy tính cá nhân, máy tính bảng, vật vã chờ đợi mạng bán vé "thông" để đặt vé ngay tại khu vực sảnh chờ nhà ga. Nhiều hành khách không có máy phải chen chúc, xếp hàng chờ sử dụng 2 chiếc máy tính miễn phí của nhà ga.

Sau khi chờ đợi để có phiếu đặt chỗ, hành khách lại phải chờ thêm 1 buổi đợi đến lượt lấy vé. Do đã có hàng ngàn vé được đặt chỗ thành công trong ngày 10/12 nên từ sáng sớm ngày 11/12 đã có cả trăm hành khách đến ga chờ lấy vé.

Trong khi đó, nhà ga chỉ bố trí 8 cửa bán vé trước nên lượng vé bán ra khá chậm. Đến chiều tối ngày 11/12 cũng chưa giải quyết được nhu cầu mua vé của hành khách, hàng trăm hành khách vẫn phải chờ đợi đến lượt mình lấy vé, nhiều hành khách mệt mỏi nằm ngủ vạ vật ngay trên dãy ghế chờ…

Nhiều hành khách chờ lấy vé mệt mỏi, nằm ngủ luôn tại nhà ga
Nhiều hành khách chờ lấy vé mệt mỏi, nằm ngủ luôn tại nhà ga

 “Cò vé”: nhanh gọn và “uy tín”

Bên ngoài ga lại là một khung cảnh khác hẳn, giao dịch nhộn nhịp và rất mau lẹ. Ngay khi vừa đến cổng ga, hành khách đã được một đội ngũ “cò vé” đông đảo chào đón, nhiệt tình tiếp thị vé tàu đủ loại, đi ngày nào cũng có.

Xe chúng tôi vừa đến cổng nhà ga, một “cò” nữ trung tuổi chạy lại chặn đầu xe, hỏi: “Em mua vé đi đâu, mua mấy vé, chị lấy cho. Ngoài tiền vé ra em cho chị xin 250 ngàn đồng/vé. Đặt cọc trước mỗi vé 100 ngàn đồng, tuần sau chị giao vé và nhận số tiền còn lại”.

Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, “cò” trấn an: “Em yên tâm, ở đây chị làm ăn đàng hoàng lắm, có biên nhận luôn. Em không tin thì chị dẫn em vào nhà cho biết”. “Cò” còn nói chắc nịch: “Nếu chị bán vé giả, gian dối thì sao công an cho vào đây!?”.

Vào đến sảnh nhà ga, tại khu vực thông tin hướng dẫn giờ tàu, giá vé, chúng tôi lại được nhiều “cò vé” khác tụ lại mời chào. Một “cò” tự giới thiệu tên là V., nhà ở trước cổng ga, tiếp thị: “Anh mua vé thì em chở anh ra nhà để ghi biên nhận và thu tiền đặt cọc, một tuần sau có thể nhận vé và giao số tiền còn lại”.

“Cò” V. hoạt động rất tích cực trong khu vực dán thông tin hướng dẫn mua vé tàu của nhà ga
“Cò” V. hoạt động rất tích cực trong khu vực dán thông tin hướng dẫn mua vé tàu của nhà ga

Theo ghi nhận của Dân trí, “giá dịch vụ” thống nhất của các “cò vé” trong năm nay là 250 ngàn đồng cho mỗi vé đi trong thời gian cao điểm Tết, dù hành khách trả giá thế nào các “cò” cũng không bớt vì không thể “phá giá”. Các “cò” đều khẳng định mua vé loại nào cũng có, đi trong ngày nào cũng được, chỉ cần đặt cọc 100.000 đồng/vé và để lại thông tin người đi tàu, 1 tuần sau là có vé.

Trong gần 4 giờ đồng hồ có mặt tại ga để ghi nhận về hoạt động “cò” vé ở đây, chúng tôi chứng kiến không dưới 10 trường hợp nghe theo lời dụ dỗ của các “cò vé” và chấp nhận đặt cọc mua vé.

Chị Phạm Thị Hương (quê Bình Định), người đặt cọc mua hai vé tàu đi Diêu Trì của “cò” V. cho biết: “Tôi đến đây cả ngày hôm qua và buổi sáng hôm nay mà có mua được vé đâu, phải chấp nhận tốn 500 ngàn đồng cho “cò” để có vé về quê ăn Tết”.

Theo Trưởng ga Sài Gòn Nguyễn Văn Thành, ga luôn khuyến cáo hành khách không nên mua vé từ các “cò vé” vì rất dễ mua phải vé giả, vừa mất tiền, vừa không thể đi tàu.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì hầu hết hành khách chấp nhận mua vé từ “cò” đều là những người không đăng ký được vé qua mạng, phần nhiều là do họ không rành sử dụng máy tính, không thể làm theo các quy trình phức tạp trên máy để đặt được vé. Nhà ga thì chỉ bán vé qua mạng, họ không đặt được thì đành nhắm mắt mua!

Tùng Nguyên - Thảo Trần