Về những quy định đối với pháp nhân phạm tội trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Nếu qua thực tiễn áp dụng, chế tài hành chính, dân sự chưa đủ sức răn đe và cơ chế xử phạt vi phạm hành chính tỏ ra bất cập, kém hiệu quả thì cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật dân sự, pháp luật hành chính và cơ chế xử phạt, chứ không thể vì lý do này để quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), những quy định đối với pháp nhân phạm tội được quy định tại chương XI từ Điều 74 đến Điều 89 và một số điều luật khác.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội là ở nước ta, trong giai đoạn hiện nay, chưa nên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân bởi những lý do, sau đây:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được thành lập hợp pháp;
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”.
Trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được công nhận là pháp nhân, ngoài tổ chức Đảng, còn có các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ; ngoài bộ máy lãnh đạo, đại đa số là người lao động. Do vậy, sẽ là bất hợp lý nếu chỉ vì một số cá nhân trong pháp nhân phạm tội mà quy kết cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phạm tội, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ và quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó.
Thứ hai, pháp nhân do con người lập ra và hoạt động của nó chỉ có thể được thực hiện thông qua con người cụ thể, cho nên pháp nhân không thể và không bao giờ có lỗi, vì nó chỉ là một thực thể trừu tượng không có nhận thức và lý trí. Chỉ có các cá nhân cụ thể mà thông qua nó pháp nhân hoạt động mới có thể có lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ ba, do không trực tiếp liên quan đến quyền, tự do thân thể của con người, nên các chế tài pháp lý phi hình sự trong các ngành luật dân sự, luật hành chính áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm tuyệt đối”, tức là quy trách nhiệm pháp lý chỉ căn cứ vào hành vi khách quan. Nếu coi pháp nhân phạm tội và áp dụng chế tài hình sự, tức là quy trách nhiệm pháp lý chỉ căn cứ vào hành vi khách quan, mà trong luật hình sự, thì không chấp nhận nguyên tắc “quy tội khách quan”, bởi lẽ chế tài hình sự liên quan trực tiếp đến quyền, tự do thân thể của con người.
Thứ tư, thực tiễn cho thấy, thời gian qua, xảy ra một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, như các vụ gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan (Đồng Nai), Công ty Nicotex (Thanh Hóa)... thì chủ thể thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường là những con người cụ thể. Nếu những người này phạm tội thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn đối với pháp nhân, phải áp dụng các chế tài hành chính, dân sự.
Chẳng hạn, đối với Công ty Vedan (Đồng Nai), Công ty Nicotex (Thanh Hóa), cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Các chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định tại Điều 77, 78, 79, 80, 81, 82 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, vấn đề là cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ, nghiêm minh các quy định của Luật này.
Nếu qua thực tiễn áp dụng, chế tài hành chính, dân sự chưa đủ sức răn đe và cơ chế xử phạt vi phạm hành chính tỏ ra bất cập, kém hiệu quả thì cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật dân sự, pháp luật hành chính và cơ chế xử phạt, chứ không thể vì lý do này để quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Theo Mai Hưng
Công an nhân dân