Về Hà Nội bình yên, người vợ trẻ ngổn ngang lo chồng đang mắc kẹt ở Ukraine
(Dân trí) - Không còn phải nghe tiếng súng đạn hàng ngày, nhưng lòng chị Vũ Thị Quý vẫn còn ngổn ngang lo cho chồng bị mắc kẹt ở ngoại ô của thành phố Kharkov (Ukraine).
Sau hành trình dài hơn 10.000 km chạy khỏi vùng chiến sự Ukraine, bốn mẹ con chị Vũ Thị Quý đã được quây quần bên người thân ở thôn Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội). Dù không còn phải nghe tiếng súng đạn hàng ngày, nhưng lòng chị Quý vẫn chưa yên. Chị ngổn ngang nỗi lo khi chồng bị mắc kẹt ở ngoại ô thành phố Kharkov do ga tàu bị tập kích, không có phương tiện để đi sơ tán.
Từng 30 năm sinh sống ở Kharkov, ông Lê Văn Cừ (bố chồng chị Quý) cho biết, thành phố này rất yên bình, chưa bao giờ xảy ra xung đột. Do vậy, khi chiến tranh xảy ra giữa Nga và Ukraine, không ai nghĩ bom đạn sẽ trút xuống Kharkov.
Thế nhưng, ngày 4/3, thành phố Kharkov bắt đầu bị bom đạn cày xới. Từ ngày đó, trong lòng vợ chồng ông Cừ lúc nào cũng như lửa đốt vì lo cho các con đang sinh sống ở đây.
Sau nhiều ngày chờ đợi, gia đình ông Lê Văn Cừ biết tin con cháu được về nước trên chuyến bay giải cứu QH9066. Rạng sáng ngày 10/3, vợ chồng ông Lê Văn Cừ có mặt ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) trước giờ máy bay hạ cánh 3 tiếng.
"Mong ngóng gặp chúng nó, cả đêm chúng tôi không ngủ được nên quyết định ra sân bay từ sớm", bà Lê Thị Đan (mẹ chồng chị Quý) nói.
Từ ngày con cháu ở Ukraine trở về quê, căn nhà của ông Lê Văn Cừ lúc nào cũng rộn ràng. Ôm cậu con trai mới sinh vừa cùng mẹ vượt qua hành trình hàng vạn kilomet từ Ukraine về Việt Nam, chị Vũ Thị Quý cho biết, khi nghe tiếng bom đạn nổ ở thành phố Kharkov, gia đình bắt đầu có cảm giác bất an.
Còn ở Việt Nam, những người thân của chị Quý liên tục gọi sang hỏi thăm tình hình. Có những lúc mọi người đang nói chuyện qua điện thoại thì phải cúp máy vì phải chạy xuống hầm trú ẩn.
"Từ ngày 4/3 trở đi, ngày nào chúng tôi cũng phải chứng kiến cảnh bom đạn bắn vào thành phố Kharkov. Xung quanh khu vực tôi sinh sống cũng không phải là ngoại lệ, nhà cửa đổ nát hết. Vậy nên chúng tôi rủ nhau sơ tán sang Ba Lan để bảo toàn tính mạng. Do tàu ưu tiên phụ nữ, người già và trẻ nhỏ đi trước nên chồng tôi vẫn kẹt lại ở thành phố Kharkov", chị Vũ Thị Quý buồn bã nói.
Nhiều người dân cùng sơ tán khỏi thành phố Kharkov nên ga tàu lúc nào cũng chật cứng. Để không bị dòng người chèn ép trong quá trình di chuyển, anh Lê Văn Dũng (chồng chị Quý) lúc nào cũng phải dâng cậu con trai mới sinh lên cao quá đầu.
"Lúc đó chúng tôi chỉ muốn sơ tán khỏi thành phố Kharkov thật nhanh. Tài sản sau bao nhiêu năm tích cóp đều bỏ lại đó. Trong đầu vợ chồng tôi lúc đó cũng chỉ có ý nghĩ duy nhất là các con phải được an toàn để trở về", chị Quý kể lại.
Sau chuỗi ngày gần như chỉ chạy và chạy dưới mưa bom bão đạn và xuyên qua những cánh rừng đầy tuyết trắng lạnh thấu xương, bốn mẹ con chị Quý cũng đến được Ba Lan.
Từ thành phố Warsaw, bốn mẹ con chị Quý cùng gần 300 người Việt được đưa lên chuyến bay QH9066 về nước rạng sáng ngày 10/3. Hành trang mang về nước của bốn mẹ con chỉ có chiếc ba lô đựng giấy tờ, quần áo và một ít tiền mặt.
Khi về đến nhà ở thôn Đa Tốn, việc đầu tiên của chị Quý là gọi điện báo tin cho chồng và hỏi tình hình chiến sự ở Kharkov. Sau hồi chuông kéo dài, đầu dây cách Hà Nội hơn 10.000 km bắt máy. Nhìn thấy vợ và 3 con đã sum vầy bên người thân, anh Lê Văn Dũng thở phào nhẹ nhõm.
Anh Dũng cho biết, tình hình chiến sự vẫn đang khốc liệt, anh đã bỏ lại căn hộ cùng toàn bộ tài sản để đi trú ẩn.
Ông Lê Văn Cừ cho biết, điều ông mong mỏi nhất lúc này là chiến tranh sớm chấm dứt để con trai về quê đoàn tụ cùng gia đình. "Bao nhiêu tài sản có giá trị chúng nó tích cóp qua hơn chục năm ở Ukraine cũng đành phó mặc cho bom đạn thôi chứ còn gì quan trọng hơn tính mạng lúc này! Chiến tranh ác liệt như vậy, bạn bè thân thích của tôi bên đó cũng bỏ lại hết tài sản đi sơ tán", ông Cừ nói.
Nhìn cảnh 3 người con của mình được bình yên bên ông bà, chị Quý xúc động nói: "Chờ mấy ngày nữa cuộc sống gia đình ổn định trở lại tôi sẽ cùng ông bà tìm lớp học cho các con".