Nghệ An
Vắt kiệt sức chữa cháy, cứu rừng
(Dân trí) - Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã xảy ra 6 vụ cháy rừng. Lực lượng chức năng lẫn người dân phải vắt kiệt sức dưới cái nắng chang chang để dập lửa, cứu rừng.
.
Thấy chúng tôi bước xăm xăm lên đỉnh đồi, một chiến sỹ thuộc Lữ đoàn 414 ngăn lại: “Lên đó bây giờ là lửa thiêu luôn, với tốc độ này thì chỉ vài chục phút nữa lửa sẽ lan sang khu vực này”. Hàng chục ha rừng thông, bạch đàn bị ngọn lửa cao đến 7m “liếm”, cháy rụi. Tiếng nổ lép bép của thân cây tươi bị đốt cháy vang lên cả một cánh rừng.
Ngọn lửa lan từ mỏm đồi này qua mỏm đồi khác bất chấp nỗ lực của lực lượng chữa cháy. Gió thổi mạnh, ngọn lửa ngả nghiêng rồi phụt lên cao cả vài mét. Lực lượng chữa cháy mồ hôi như tắm, mặt xám ngắt vì bụi, khói, vì kiệt sức đang cố gắng dùng cành cây, vỉ sắt hay đơn giản chỉ là một tấm vải nhúng nước buộc vào cây sào… để khống chế ngọn lửa. Lửa vẫn bốc cao, táp ra xung quanh. Để đảm bảo an toàn tính mạng, lực lượng chữa cháy phải rút lui.
Đám cháy vẫn tiếp tục lan rộng, đe dọa 15 nhà dân dưới chân núi. Phương án cuối cùng được tính đến là huy động lực lượng phát đường băng cản lửa. Bộ đội, kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ và người dân rải dọc chân núi, cách khu vực cháy chừng 1km để phát đường băng.
Mồ hôi túa ra như tắm, ướt đẫm chiếc khăn mặt vắt trên cổ, chiến sỹ Phan Văn Dương (trung đội 1, đại đội 6, tiểu đoàn 27, lữ đoàn 414) cho biết: “Đơn vị tôi được lệnh tham gia chữa cháy từ 8h đêm qua. Lúc 12h trưa, được lệnh di chuyển tới khu vực này để dập lửa, cứu nhà dân. Cả đơn vị phải vượt qua 5 quả đồi vừa mới bị thửa thiêu rụi, trên đầu là nắng, dưới đất là sức nóng của than, tro. Bây giờ đã là 15h chiều nhưng vẫn chưa ăn cơm”.
Sau khi được lệnh rút khỏi khu vực cháy để tới khu vực phát đường băng cản lửa, chiến sỹ Nguyễn Đức Phú kiệt sức, lên cơn co giật và ngất xỉu. Ngay lập tức, Nguyễn Đức Phú được đưa vào nhà dân để sơ cứu và nghỉ ngơi. Đến 15h30 phút, sau gần 1 ngày vắt kiệt sức chữa cháy, giữ rừng, đơn vị của Dương, Phú được lệnh về doanh trại, đơn vị khác lên thay.
Bất lực nhìn ngọn lửa đang lan rộng xuống chân núi, bà Nguyễn Thị Vân - xóm phó xóm 16 (xã Khánh Sơn) ngồi như bất động. Đám cháy xảy ra từ 19h30 phút tối ngày 2/6, chính quyền địa phương cùng cán bộ xóm phải túc trực ngay tại điểm cháy để cứu rừng. Sau một đêm quần thảo với ngọn lửa, đám cháy vẫn tiếp tục lan rộng. Với sự hỗ trợ của bộ đội, công an và các lực lượng khác, đến 12h trưa ngày 3/6, ngọn lửa đã được khống chế.
Chưa kịp thở phào thì một đám cháy xuất hiện ở khu vực khác. Vậy là lại không kịp ăn, không kịp nghỉ, cả làng lại lao lên chữa cháy. “Giờ thì kiệt sức rồi, không ai dám mạo hiểm với tính mạng của mình cả nên đành xuống núi phát đường băng cản lửa. 15 hộ dân đang bị lửa đe dọa, phải ưu tiên cứu dân, cứu tài sản của dân trước”, bà Vân cho biết.
Ông Đặng Văn Thủy - 1 trong 15 hộ dân đang bị cháy rừng đe dọa trực tiếp đến nhà cửa, vườn tược lo lắng: “Chúng tôi đi dập lửa từ tối qua đến giờ, chỉ uống nước cầm hơi chứ mệt không nuốt nổi cơm. Giờ lửa cháy ở đỉnh đồi sau nhà và đang lan xuống mái đồi bên này, cách nhà tôi có mấy trăm mét. Nếu không ngăn được, nhà tôi, tài sản bao nhiêu năm tích cóp của vợ chồng tôi cũng thiêu ra tro mất”. Dù đang mệt nhưng ông Thủy vẫn ráng xách mấy thùng nước dự trữ quanh nhà để chữa cháy khi tình huống xấu nhất xảy ra rồi tất tả vác sào buộc tấm áo cũ nhúng nước tiến về nơi lửa đang cháy rừng rực.
Sau hơn 1 ngày 1 đêm chiến đấu với “giặc lửa”, đến 20h ngày 3/6, đám cháy rừng ở Khánh Sơn mới được khống chế. 34ha rừng trồng đã bị thiêu rụi nhưng may mắn không có nhà dân nào bị hư hại do cháy gây ra.
Chưa kịp “hoàn hồn” sau khi bị vắt kiệt sức chữa cháy ở Khánh Sơn thì sáng ngày 4/6, lực lượng kiểm lâm lại nhận tin: xảy ra cháy rừng tại xã Nam Lĩnh. Vậy là lại chạy đi. “Tính từ ngày 22/5, từ vụ cháy rừng đầu tiên ở xã Nam Lĩnh, Nam Xuân tới nay thì gần như chúng tôi chưa được nghỉ ngơi ngày nào. 100% quân số có mặt trên các cánh rừng để chữa cháy. Tính đến ngày hôm nay, Nam Đàn đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng hơn 100ha.
Có những vụ cháy rừng ở Nam Lộc, Khánh Sơn anh em chúng tôi phải dập lửa xuyên đêm đến sáng. Dập hết cháy ở chỗ này lại xảy ra cháy ở nơi khác. Mới đây nhất là chữa cháy ở xã Nam Lĩnh, ngọn lửa lan sang khu vực rừng thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên, đe dọa khu vực mộ bà Hoàng Thị Loan. Cùng với các lực lượng khác, chúng tôi phải làm việc xuyên trưa, sức nóng từ mặt trời, nóng từ đám cháy phát ra cũng phải lên tới 50 độ C. May mắn là sau nỗ lực của các lực lượng tham gia chữa cháy thì đến 14h, ngọn lửa đã được khống chế”, ông Hoàng Văn Huynh - Hạt phó Hạt kiểm lâm Nam Đàn cho biết.
Nhiệt độ vẫn đang ở mức cao, báo động cháy rừng ở Nam Đàn và một số khu vực khác của tỉnh Nghệ An vẫn ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Hàng nghìn ha rừng đang bị nắng, gió “đốt” khô cộng với lớp thực bì dày, chỉ cần một chút bất cẩn của ai đó, nó sẵn sàng bùng lên và tiếp tục vắt kiệt sức của người dân cũng như lực lượng chức năng nơi đây.
Hoàng Lam